Doanh nghiệp đau đầu vì cử nhân “thiếu đủ thứ”

Doanh nghiệp đau đầu vì cử nhân “thiếu đủ thứ”

Khảo sát lao động của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm được các ứng cử viên cho các vị trí việc làm đòi hỏi trình độ cao. Theo kết quả khảo sát này, có tới 70%-80% ứng viên cho các vị trí quản lý và kỹ thuật không đáp ứng yêu cầu.

Vấn đề này không chỉ diễn ra ở nhóm nhân sự quản lý mà là thực trạng chung ở cả nhóm nhân sự trẻ, sinh viên mới ra trường. Nhiều doanh nghiệp “chê” sinh viên sau khi ra trường vẫn “thiếu đủ thứ” cần đào tạo lại từ đầu.

40% cử nhân không đạt hài lòng của doanh nghiệp

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tính đến quý II năm 2018, số lao động thất nghiệp ở trình độ đại học là khoảng 126 ngàn người mặc dù trên thực tế, thị trường lao động đã và vẫn có nhu cầu sử dụng số lượng lao động có trình độ đại học trở lên.

Sở dĩ có tình huống “trớ trêu” này là do công tác dự báo cung – cầu lao động chưa được chú trọng, dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên còn hạn chế. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng này, theo nhiều doanh nghiệp, là do một bộ phận lớn sinh viên còn thiếu nhiều kiến thức và kỹ năng làm việc, tìm việc. Thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê cho thấy, gần 94% sinh viên mới tốt nghiệp cần được đào tạo lại để có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và doanh nghiệp.


Làm việc nhóm là một trong những kỹ năng tối quan trọng để thành công trong công việc.

Làm việc nhóm là một trong những kỹ năng tối quan trọng để thành công trong công việc.

Nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đau đầu khi không tuyển được ứng viên đủ trình độ theo yêu cầu. Chẳng hạn, trong một đợt tuyển dụng kỹ sư của Intel Việt Nam, qua đánh giá tiêu chuẩn 2.000 SV Công nghệ thông tin thì chỉ có 90 ứng viên vượt qua kiểm tra, trong số này, cũng chỉ 40 người đủ trình độ tiếng Anh.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng tỏ ra lo lắng về sự thiếu hụt kiến thức xã hội của các ứng viên. Nhiều ứng viên muốn làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nhưng lại không thể kể tên một số cảng biển ở Việt Nam, nhầm lẫn quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, không soạn thảo được một văn bản đơn giản

Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng của sinh viên được đào tạo trong 5 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp tại 60 doanh nghiệp tại TP. HCM (đánh giá dựa trên các tiêu chí kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong làm việc, năng lực nghề nghiệp) cũng cho thấy chỉ có 5% tổng số sinh viên tham gia khảo sát được đánh giá ở mức độ tốt trong khi có tới 40% ở mức độ không đạt.

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Dịch vụ Tuyển dụng và Tư vấn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam, chính sự biến đổi không ngừng của công nghệ đã tác động tới yêu cầu thay đổi nhanh chóng của kỹ năng – đặt ra khó khăn cho các công ty trong quá trình tìm kiếm nhân tài phù hợp.


Hiểu biết về kỹ năng số hóa đảm bảo cho sự thành công của cá nhân và doanh nghiệp trong tương lai.

Hiểu biết về kỹ năng số hóa đảm bảo cho sự thành công của cá nhân và doanh nghiệp trong tương lai.

Báo cáo của ManpowerGroup ước tính, 65% công việc mà thế hệ Z (những người sinh sau năm 1995) sẽ làm vẫn chưa xuất hiện trong hiện tại. Việc xác định các kỹ năng cần thiết trong tương lai như kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn và hiểu biết về kỹ năng số hóa sẽ đảm bảo rằng cả nhân viên lẫn các doanh nghiệp đều đạt được những kỹ năng cần thiết để phát triển một cách mạnh mẽ.

Trường đại học phải đi đầu đổi mới vì người học

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng “tinh hóa”, nhiều chuyên gia cho rằng, các trường đại học – nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội – không thể đứng ngoài cuộc.

Chẳng hạn, tại Singapore, 2 trường đại học là ĐH Công nghệ Nanyang và ĐH Quốc gia Singapore đã trở thành ĐH hàng đầu châu Á và thế giới thông qua việc kết hợp trường học với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Jurong, các doanh nghiệp công nghệ cao tại Biopolis, các doanh nghiệp sáng tạo tại Fusionpolis tạo thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TPHCM, đã qua rồi thời kỳ trường ĐH chỉ “đào tạo cái trường có”, mà hiện phải chuyển hướng sang “đào tạo cái thị trường cần”.

Tầm nhìn dài hạn ở phía nhà trường cũng là điều cần được lưu ý, các trường đại học, cơ sở đào tạo cần có định hướng trong việc dự báo các nhu cầu của thị trường lao động với các lĩnh vực mà mình đào tạo. Đưa ra hướng đi cụ thể, chiến lược đào tạo riêng để đáp ứng nhu cầu thị trường

Cùng chung quan điểm này, trường ĐH RMIT, ĐH quốc tế đầu tiên được thành lập ở Việt Nam theo lời mời của Chính phủ từ năm 2001, cũng đặt ra chiến lược đào tạo sinh viên “Sẵn sàng cho cuộc sống và công việc”. Để hiện thực hóa chiến lược này, sinh viên RMIT ngoài việc được học những kiến thức cập nhật, sát với thực tế của thị trường lao động, các em còn được thường xuyên trang bị nhiều kỹ năng mềm để sẵn sàng làm việc ngay khi tốt nghiệp mà không cần phải đào tạo lại.


Sinh viên tại ĐH RMIT thường xuyên được kết nối trực tiếp với doanh nghiệp thông qua các sự kiện như ngày hội việc làm.

Sinh viên tại ĐH RMIT thường xuyên được kết nối trực tiếp với doanh nghiệp thông qua các sự kiện như ngày hội việc làm.

Theo bà Manuela Spiga, Giám đốc khu vực mảng hướng nghiệp và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH RMIT Việt Nam: “Trong khoảng 3 năm học, sinh viên sẽ được tham gia chương trình Hoàn thiện kỹ năng cá nhân. Đây là chương trình miễn phí giúp sinh viên trang bị các kỹ năng mềm cần có từ nhà tuyển dụng, bao gồm 6 bộ kỹ năng: tư duy sáng tạo, giao tiếp tự tin, làm việc trong môi trường đa văn hóa, lãnh đạo có nhân cách, sử dụng công nghệ số và hoạch định sự nghiệp. Mỗi bộ kỹ năng sẽ được dạy thông qua các lớp học chuyên đề, hội thảo do các nhà lãnh đạo đầu ngành, giảng viên và cựu sinh viên hướng dẫn. Trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động, sinh viên nếu phát triển các kỹ năng này sớm và không ngừng rèn luyện sẽ dễ thành công dù cho ở vị trí nhân viên, doanh nhân hay chuyên gia”.

Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng, đổi mới đào tạo, đảm bảo tương lai tốt cho sinh viên sau khi ra trường là yêu cầu bắt buộc, sống còn của các đại học trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0. Trường nào làm càng tốt điều này càng khẳng định được tên tuổi và sẽ được đông đảo sinh viên, phụ huynh và học sinh tìm tới.

Theo Dân trí

Share

Trả lời