Nguyễn Sĩ Toàn: Nắm bắt cơ hội để hiện thực hóa tham vọng

Nguyễn Sĩ Toàn: Nắm bắt cơ hội để hiện thực hóa tham vọng

Từng thất bại trong kinh doanh, từng hoang mang trên con đường phát triển bản thân, nhưng Nguyễn Sĩ Toàn không bỏ cuộc. Anh không ngừng tìm kiếm cơ hội và nắm bắt khi nó xuất hiện

Trong các chương trình truyền hình giải trí chuyên về ẩm thực phát sóng gần đây; có một chàng đầu bếp trẻ tuổi khiến bao người xao xuyến. Khán giả không chỉ ấn tượng về kỹ năng nấu nướng điêu luyện; gu thẩm mỹ trong bài trí món ăn, kiến thức ẩm thực uyên bát và cách truyền đạt gần gũi; mà còn thiện cảm với ngoại hình “soái ca” của anh. Đó là đầu bếp Nguyễn Sĩ Toàn.

Ít người biết ngoài nấu ăn, anh còn là doanh nhân trẻ; tạo ra hai thương hiệu riêng trong vòng ba năm và được mọi người đón nhận. Nhưng để đến với ẩm thực cũng như kinh doanh; Nguyễn Sĩ Toàn đã phải vượt qua nhiều khó khăn. TTGĐ mời bạn cùng gặp gỡ chàng trai tài hoa vừa bước sang tuổi 28 này!

Bố mẹ từng phản đối tôi học nấu ăn

Xin chào đầu bếp Nguyễn Sĩ Toàn. Cơ duyên đưa anh đến với nghề nấu ăn?

Gia đình cô bạn gái cũ của tôi có kinh doanh nhà hàng. Nhiều lần qua chơi, mỗi khi nhà hàng đông khách; tôi cũng nhiệt tình phụ một tay. Lúc đó tôi thường đứng đọc order món; và kiểm tra lại món trước khi mang ra cho khách.

Công việc này giống với một vị bếp trưởng thực thụ. Tôi cũng thấy thích áp lực khi ở trong bếp. Đó là làm sao để món ăn thành phẩm phải ngon; đẹp để phục vụ cho khách. Thế là tôi quyết định theo học ngành này.

Việc quyết định theo học về nấu nướng của anh có gặp trở ngại gì không?

Tất nhiên là có. Ban đầu tôi dự định sang Melbourne (Úc) du học. Nhưng vì visa trục trặc, tôi chuyển hướng sang học tại Bangkok (Thái Lan). Gia đình tôi khi đó phản đối. Họ “choáng” khi nghe số tiền học phí lên đến 60.000 USD; cho một khóa học nấu ăn kéo dài 9 tháng. Tôi cố gắng thuyết phục mãi, bố mẹ mới đồng ý.

Thời điểm đó, ngành ẩm thực và kinh doanh nhà hàng chưa phát triển như bây giờ. Lương của đầu bếp khá thấp. Người lớn họ có lý do để ngập ngừng; khi đầu tư quá nhiều tiền cho con mình theo học một ngành không mấy tiềm năng tại Việt Nam.

Bản thân tôi sau khi học xong; trở về nước cũng nhìn thấy thực tế phũ phàng mà ba mẹ đã cảnh báo từ trước.

Nguyễn Sĩ Toàn

Thực tế phũ phàng ấy tới mức nào và anh đối diện với nó ra sao?

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm việc tại Bangkok một thời gian. Khi đó mức lương hàng tháng của tôi khoảng 1.000 USD. Với mức sống tại Thái Lan; tôi khá thoải mái với thu nhập này.

Nhưng khi về Việt Nam, tôi đi phỏng vấn tại một khách sạn 5 sao; họ “offer” mức lương 300 USD/tháng. Tôi sốc nặng và không đi làm. Ngay lúc đó, tôi nhận nhiều lời mời về làm cho các công ty truyền thông – quảng cáo. Vì trước khi đi học nấu ăn, tôi từng làm ở công ty quảng cáo.

Cơ hội đến thì ngại gì không thử. Năm đó tôi được làm việc trong ê-kíp; tổ chức đêm nhạc của nhóm Super Junior tại Bình Dương. Mọi thứ khá suôn sẻ.

Song, tôi nhận ra bản thân không thích công việc tổ chức event. Thế là tôi ngừng hẳn và nghĩ mình nên bắt đầu một dự án kinh doanh nào đó.

Trở lại với niềm yêu thích ẩm thực; tôi thấy bánh cheese tart khá lạ ở Việt Nam nên quyết định liều một phen.

Thất bại vì quá ngây thơ trong mọi thứ

Khi bắt đầu tập tành kinh doanh, anh có suy nghĩ hay kỳ vọng gì lúc đó không?

Lúc đó tôi không nghĩ gì to lớn hết. Đơn giản là mình muốn làm kinh doanh ngành nghề liên quan đến cái mình đã học. Nhưng chính vì không nghĩ gì nên tôi đã đóng cửa tiệm chỉ sau một thời gian ngắn.

Theo anh thì lý do thất bại là gì?

Thất bại vì mình quá ngây thơ trong mọi thứ. Kinh doanh cần vốn và dòng tiền xoay vòng liên tục. Tôi lại cứ mạnh tay xài cho hết mà không biết cân đối. Đến lúc nhận ra thì đã quá muộn.

Bên cạnh đó, mặc dù sản phẩm bánh cheese tart của tôi lúc bấy giờ lạ; đẹp và hấp dẫn, nhưng thị trường ngày đó lại chưa quan tâm đến dòng bánh này. Không như bây giờ người người nhà nhà phát cuồng về cheese; về các món tráng miệng béo ngậy. Thất bại của tôi một phần cũng do chọn không đúng thời điểm.

Động cơ nào để anh tái xuất kinh doanh không chỉ 1 mà là 2 business cùng lúc?

Không chỉ kinh doanh thua lỗ, tôi còn thất bại khi chơi cổ phiếu và chứng khoán. Có giai đoạn, tôi như người mất phương hướng, không làm gì suốt nửa năm.

Tới tháng 1/2015, tình cờ tôi đi xem phim Kingsman. Nhìn thấy các diễn viên diện vest Âu quá đẹp; tôi nảy ra ý tưởng về một cửa hàng may âu phục. Nói là làm, tôi có hỏi ý kiến của ba. Ông vốn đã theo nghề may hơn 30 năm; và mới nghỉ hưu vài năm. Thấy hợp lý, ba hỗ trợ tôi mọi thứ. Tháng 6/2015, tôi cho ra đời thương hiệu suit dành cho quý ông.

Tháng 10/2016, tôi xây dựng lại thương hiệu bánh cheese tart; và quyết tâm làm bài bản nhất. Suy cho cùng, niềm đam mê lớn nhất của mình vẫn là ẩm thực và kinh doanh F&B (Food & Beverage). Tôi nhìn thấy thị trường F&B tại Việt Nam đang khởi sắc; và nắm bắt cơ hội để biến tham vọng của mình thành hiện thực. Đó là xây dựng thương hiệu xuất hiện rộng khắp.

Kết quả hình ảnh cho đầu bếp sĩ toàn

Không chỉ kinh doanh, hình như anh muốn phát triển sự nghiệp truyền hình?

Tham gia game show là cách để làm quen với ống kính; dạn dĩ hơn và tạo bước đệm cho mọi người biết mình nhiều hơn trong vai trò đầu bếp. Tôi không tham vọng phát triển sự nghiệp truyền hình; mà chỉ muốn tạo một kênh nấu ăn riêng thôi.

Cảm ơn anh đã chia sẻ.

Fun facts about Nguyễn Sĩ Toàn:

Nguyễn Sĩ Toàn sinh năm 1990. Anh tốt nghiệp chuyên ngành ẩm thực trường Le Cordon Bleu. Anh từng làm việc tại nhà hàng fine-dining La Scala của Resort the Sukhothai, Bangkok; và cộng tác tại nhà hàng Arnolfo, Siena, Ý; nhà hàng Hibiscus, Anh… Hiện anh là chủ sở hữu thương hiệu bánh Whisk chuyên các món tráng miệng ở Sài Gòn; và thương hiệu The MAYDO chuyên thiết kế Âu phục dạng boutique.

Thế mạnh trong nấu ăn của Nguyễn Sĩ Toàn là làm các loại nước xốt trong món Âu.

Thích nhất ẩm thực Ý. Anh chia sẻ: “Nó còn có rất nhiều điều thú vị; không đơn giản chỉ có pasta và pizza như mọi người nghĩ. Thậm chí 1 lát cà chua ở Ý cũng khác hoàn toàn với những nơi khác trên thế giới”.

Theo Tiếp thị gia đình

Share

Trả lời