Lựa chọn học đại học hay cao đẳng giờ đây không còn là vấn đề còn quá quan trọng nữa, mà quan trọng hơn cả đó chính là thái độ trong việc học tập, cũng như thái độ đối với ngành nghề mà mình đã lựa chọn. Chính những tác động này sẽ góp phần cho chúng ta có được một cơ hội nghề nghiệp đầy sang lạng trong tương lai.
“Học gì để sau bốn năm ra trường không bị thất nghiệp?”, có lẽ đây chính là câu hỏi mà không chỉ các em học sinh quan tâm mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng đang vô cùng đắn đo khi lựa chọn một ngành học nào đó trong mỗi mùa tuyển sinh. Do vậy, tỉ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm luôn là vấn đề “nóng” được quan tâm hàng đầu.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy chế tuyển sinh năm 2018, yêu cầu các trường ĐH, CĐ, Học viện trước khi tuyển sinh phải công khai tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của từng ngành, đây là được coi là một điểm mới và là thông tin vô cùng hữu cho các em thí sinh cũng như các bậc phụ huynh trước mỗi mùa tuyển sinh.
Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Lê Quan, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN TPHCM: “Thông tin này rất bổ ích, giúp cho các em sinh viên có thể hình dung ra được cơ hội việc làm của các em sau khi tốt nghiệp. Những năm vừa qua, trường đều thực hiện và công bố công khai trên trang web của trường theo yêu cầu của Bộ. Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng sẽ thực hiện nhiệm vụ này. Thông tin liên lạc do Phòng Công tác sinh viên cung cấp và liên lạc trực tiếp với các em cựu sinh viên bằng email và tham gia trả lời trực tuyến trên trang web trường”.
Đây được xem là điểm mấu chốt đặc biệt quan trọng để đánh giá chất lượng đào tạo ngành, tuy nhiên các em cũng cần tham khảo thông tin về tỉ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp của ngành học đó tại nhiều trường khác nhau thì mới có thể đưa ra được sự so sánh và đánh giá một cách khách quan nhất.
Bên cạnh đó, trong quá trình chọn ngành học cho mình các em cũng cần phải lưu ý rằng đây không phải là chọn việc làm mà là chọn ngành đào tạo. Vì một ngành đào tạo bất kì sau này có thể sẽ làm được ở nhiều vị trí khác nhau chứ không cố định.
Theo chia sẻ của các cựu sinh viên trường cao đẳng dược TPHCM, trong xu thế xã hội phát triển như hiện nay, thì nguồn nhân lực được đánh giá là có chất lượng thì nhất định phải là những con người năng động, linh hoạt, có thể đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu khắc nghiệt của nhà tuyển dụng và tiến tới là của thị trường.
Cũng theo Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh truyền thông – Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM, hiện nay thí sinh học một ngành nhưng sau khi ra trường lại có thể làm được nhiều nghề khác nhau. Ví dụ như, học về quản trị kinh doanh các em sẽ được dạy về quản trị tài chính, nhân lực, ngoại thương, marketing, logicstics, khởi nghiệp…. Nên sau khi ra trường, các em sinh viên có thể làm được các công việc như nhân viên quảng cáo, marketing, tổ chức sự kiện, kinh doanh đều phù hợp.
Ông cũng cho biết thêm, yếu tố quan trọng đối với một ứng viên hiện nay nằm ở giá trị hành nghề:
“Trên thực tế học một ngành có thể làm được nhiều nghề. Không chỉ ở Việt Nam mà thất nghiệp còn có ở khắp mọi nơi trên thế giới và ở tất cả mọi ngành nghề.
Ngành nghề nào cũng có người thất nghiệp, cho nên theo quan điểm cá nhân của tôi thì không có ngành nghề nào hot mà chỉ có con người hot trong ngành nghề đó mà thôi.
Cho nên, trước khi chọn ngành học, các em cần phải xác định rõ rằng khả năng của mình đến đâu, điểm mạnh, điểm yếu của mình cũng như điểm vượt trội của bản thân”.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM cũng đưa ra lời nhận định, trong môi trường giáo dục hiện nay thì kiến thức nền tảng của sinh viên mới là điều quan trọng:
“Trong xã hội hiện nay, các ngành nghề thay đổi cực kỳ nhanh. Hiện tại thì ngành này đang hot, nhưng sau 3-4 năm nữa thì ngành đó lại không còn hot nữa, do nền giáo dục đào tạo của chúng ta đang trễ pha hơn so với xã hội, vậy người ta làm gì?
Vậy nên, hiện nay trong môi trường giáo dục đại học, việc dạy cho các em sinh viên có được một nền tảng vững chắc, tính linh hoạt, năng động, tự học luôn luôn được chú trọng hàng đầu. Có như vậy thì các em mới có thể đạt được những thành công trong cuộc sống”.
Ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban Đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM cho hay:
Cứ 100 lao động thì chỉ cần 12% tỷ lệ cử nhân; 13% bậc cao đẳng, 35% là trung cấp chuyên nghiệp; còn lại là lao động phổ thông và một tỷ lệ rất nhỏ là 2% trình độ sau đại học. Do đó, việc học đại học, cao đẳng hay trung cấp đã không còn là điều quá quan trọng trong giai đoạn hiện nay:
“Nếu theo học đại học nhưng sau khi ra trường lại làm việc trong môi trường không phù hợp với khả năng, sở thích của bản thân thì chắc chắn sẽ không thể thành công. Xã hội bây giờ trọng những người làm được việc, nên tôi nghĩ về vấn đề bằng cấp giờ đây đã không còn quá quan trọng nữa rồi”.
Các chuyên gia cũng đưa ra lời khẳng định, không có bất cứ ngành nào được gọi là “hot” trong xã hội hiện nay mà chính nhân tố con người mới là “hot” trong chính ngành nghề đó.
Vậy nên, ngay từ bây giờ, các em thí sinh cần phải tự xác định cho mình những đam mê, sở thích cũng như năng lực học tập của bản thân. Liệu rằng mình thích hợp với ngành nghề nào nhất trong xã hội để từ đó tạo nên nguồn động lực cũng như sự quyết tâm để theo đuối nó đén cùng, có như vậy thì lo lắng về thất nghiệp sẽ không còn.
Cùng với sự năng động, những kiến thức chuyên môn thì những kỹ năng mềm và khả năng thích ứng với môi trường làm việc cũng là điều mà các em cần phải trang bị cho mình.
Theo Tổng hợp