Chef Lê Trọng Thuật: “Muốn Thành Công, Trước Hết Hãy Yêu Nghề”

Chef Lê Trọng Thuật: “Muốn Thành Công, Trước Hết Hãy Yêu Nghề”

“Có rất nhiều áp lực, khó khăn khi làm nghề Bếp nhưng chính lời khen của thực khách và động viên từ gia đình, mình cảm thấy vững tin hơn. Đối với mình, Bếp không đơn giản chỉ là nghề để kiếm sống mà còn là tình yêu và sự đam mê”, Lê Trọng Thuật – Junior Sous chef Western tại Westlake Hotel & Resort Vĩnh Phúc chia sẻ.

Lê Trọng Thuật sinh năm 1991 tại Thanh Hóa và xuất ngũ vào 07/2014. Cởi bỏ bộ quân phục màu xanh sau thời gian rèn giũa, Trọng Thuật muốn tập trung học một nghề nào đó để tương lai ổn định cuộc sống. Và sau thời gian “lang thang trên mạng” tìm tòi, duyên trở thành đầu bếp đã đến với anh. Kết thúc khóa học, bắt đầu công việc từ vị trí thấp nhất, giờ đây Trọng Thuật đã trở thành Junior Sous chef Western tại Westlake Hotel & Resort Vĩnh Phúc.

Con đường “chung sống” với nghề Bếp của Trọng Thuật không phải lúc nào cũng trải thảm đỏ nhưng luôn có những trải nghiệm đáng nhớ. Hãy cùng lắng nghe anh chia sẻ về nghề, về đam mê, về nhiệt huyết của mình nhé.

Bếp không chỉ là nghề để kiếm sống

Lý do nào đưa anh đến với nghề Bếp?

Lúc xuất ngũ, trong đầu mình luôn suy nghĩ là cần phải tìm một nghề gì đó để học, tương lai có thể ổn định cuộc sống. Thế là mình bắt đầu hỏi han, tham khảo ý kiến bạn bè; tìm tòi thông tin trên mạng và cảm thấy thú vị với nghề Bếp nên đã quyết định theo học. Với mình bây giờ, Bếp không đơn thuần chỉ là nghề để kiếm sống mà còn là tình yêu, là đam mê.

Đã gắn bó với nghề Bếp một thời gian, vậy quan niệm của anh về công việc “lắc chảo” này như thế nào?

Tất nhiên, khi gắn bó với nghề lâu dài, mỗi người sẽ có một quan điểm, riêng với mình thì người làm nghề Bếp cần có tâm, tức là phải đam mê thực sự. Muốn thành công, trước hết bạn phải yêu lấy nghề; hãy đặt tâm lên đầu tiên, sau đó đến tài rồi tiền cuối cùng. Mình tin rằng, chỉ cần bản thân không phụ nghề thì nghề sẽ không phụ mình.Cái tâm trong nghề Bếp là điều mà Trọng Thuật xem trọng nhất 

dau bep le trong thuat

Động lực vượt qua khó khăn

Điều anh cảm thấy khó khăn khi làm nghề Bếp là gì? Và động lực nào đã giúp anh vượt qua trở ngại đó?

Theo đuổi nghề Bếp, bạn sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn từ môi trường làm việc (không gian nóng, mùi dầu mỡ, khói, lửa…) đến áp lực thực đơn. Nhưng mình tin là nghề nào cũng có trở ngại riêng mà chúng ta cần phải vượt qua. Đối với mình, những lời khen của thực khách và sự ủng hộ, động viên từ gia đình đã khiến mình vững tin hơn để tiếp tục nỗ lực trong công việc.

Yếu tố làm nên một Đầu bếp chuyên nghiệp

Theo anh, những yếu tố nào góp phần tạo nên thành công cho một Đầu bếp chuyên nghiệp?

Để trở thành một Đầu bếp chuyên nghiệp cần rất nhiều yếu tố mà bạn phải trau dồi trong thời gian dài mới có được, và với mình thì cái TÂM trong nghề chính là yếu tố quan trọng nhất. Học và làm bếp bằng cả cái tâm thì nghề mới có tâm lại với bạn.

Anh có thể chia sẻ những gì mình nhận được, bài học và kỷ niệm đáng nhớ nhất suốt thời gian học nghề bếp

Nếu không có người chỉ dạy kiến thức, kỹ năng, bạn sẽ không có được nền tảng để tự tin làm nghề. Đầu tư kiến thức bếp từ những điều cơ bản nhất, đã mang lại cho mình nền tảng căn bản đó và cả định hướng trên con đường sự nghiệp. Những lời nhận xét của thầy cô, nhất là sau trong bài thi kết thúc khóa học đã giúp mình rất nhiều trong việc hình thành tư duy riêng trong ẩm thực.

trong thuat va dong nghiep
Trọng Thuật và những đồng nghiệp của mình – Ảnh: NVCC

Anh có lời khuyên nào cho bạn trẻ đang theo đuổi nghề Bếp hiện nay?

Bạn nên hiểu rằng, thành công là cả một quá trình chứ không chỉ là một đích đến. Môi trường làm việc thực tế của nghề Bếp lúc nào cũng áp lực, trở ngại hơn rất nhiều so với những gì mà bạn tưởng tượng nên hãy chuẩn bị tinh thần thật tốt để không bị sốc. Song song đó, bạn hãy lập cho mình kế hoạch cụ thể để từng bước chinh phục nó.

Tương lai

Hãy chia sẻ một chút về dự định trong tương lai sắp tới của anh?

Mình muốn nâng cao năng lực nghề Bếp hơn nữa nên sẽ trau dồi, tôi luyện bản thân qua các cuộc thi ẩm thực, giao lưu “tiền bối” trong nghề và nhất là chinh phục nấc thang cao hơn trong sự nghiệp.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh Lê Trọng Thuật về nghề Bếp, chúc anh luôn giữ được nhiệt huyết với nghề và sớm thực hiện hóa mong ước.

Theo Chefjob

Share

Trả lời