Học sinh, sinh viên không những được tạo điều kiện để tiếp xúc với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà sẽ được hỗ trợ vốn khi khởi nghệp.
Để hỗ trợ khởi nghiệp, đề án yêu cầu hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn tại các trường, khuyến khích các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp tình nguyện tham gia công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh, sinh viên tại các nhà trường.
Đặc biệt, đề án cũng đặt ra vấn đề xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp.
Theo đó, các trường đào tạo chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ hoạt động này; xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ nguồn kinh phí xã hội hóa; hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Để thực hiện các chính sách trên, kinh phí sẽ được lấy từ nguồn ngân sách chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nguồn kinh phí lồng ghép trong các chương trình, đề án về giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó là nguồn thu hoạt động sự nghiệp, Quỹ hỗ trợ học sinh sinh viên, Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của các cơ sở; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cùng các nguồn vốn xã hội khác.
Theo Tuổi trẻ