Toàn quốc hiện có 18 F0 là học sinh lớp 12 và và 394 em là F1, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên. Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều kịch bản.
Đây là thông tin vừa được ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết sáng nay (27/5), tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Theo ông Mai Văn Trinh, căn cứ số liệu thống kê đến hết ngày 26/5, toàn quốc hiện có 18 F0 là học sinh lớp 12 và 394 em là F1, tập trung chủ yếu ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam và Điện Biên.
Trước diễn biến phức tạp của dịch covid-19 .Rút kinh nghiệm kỳ thi năm ngoái cũng có dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, kỳ thi vẫn diễn ra thành công nên quan điểm của Bộ GD&ĐT vẫn tổ chức kỳ thi trên cơ sở an toàn, thành công.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đã trình lãnh đạo các bộ ngành và đặc biệt là Bộ Y tế nhằm xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch Covid-19.
Đặc biệt, các địa phương cũng có kịch bản ứng phó với dịch bệnh trong khi tổ chức kỳ thi.
Về cách thức tổ chức kì thi, theo ông Trinh, trước hết các tỉnh rà soát, phân loại các F.
Đối với các thí sinh là F0, cũng như các trường hợp ốm đau nên các em không tham dự kỳ thi và được xét đặc cách theo quy định.
Đối với các thí sinh diện F1, sẽ được bố trí điểm thi riêng. “Nếu điểm thi cách xa khu cách ly, và phải di chuyển bằng ô tô thì các địa phương cần có biện pháp để tránh lây nhiễm chéo. Như Đà Nẵng năm ngoái, quá trình đưa học sinh đi thi và đưa về có trang phục bảo hộ,…”, ông Trinh nói.
Đối với thí sinh diện F2, phương án mà Bộ GD&ĐT đưa ra là bố trí phòng thi hoặc điểm thi riêng.
Cục trưởng Mai Văn Trinh cũng yêu cầu các địa phương chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trước và trong quá trình tổ chức thi như: Phun khử trùng khử khuẩn các phòng thi; Thực hiện tốt 5K; Tránh tụ tập đông người nên phụ huynh đưa thí sinh đến điểm thi xong phải về, không ở lại cổng trường.
Các trường cần đo thân nhiệt cho thí sinh trước khi vào phòng thi, trang bị cồn sát khuẩn tận điểm thi và có phòng trực với nhân viên y tế xử lý các tình huống bất thường trong quá trình thi.
Ông Trinh cũng cho rằng, trong tình huống bất khả kháng khi các địa phương có nhiều thí sinh trong diện F1, F2, Bộ sẽ cân nhắc việc tổ chức đợt thi thứ 2, căn cứ vào kinh nghiệm đã làm năm 2020.
Ông Trinh khẳng định, tới thời điểm này, công tác chuẩn bị thi vẫn được tiến hành đúng tiến độ.
Việc in sao đề thi năm nay sẽ có những thách thức do khó khăn bởi dịch bệnh. Vì thế ngoài các giải pháp đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi, còn phải chú ý các giải pháp phòng dịch.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh đề xuất nếu tới khoảng 20/6 đến 25/6, dịch bệnh được kiểm soát, các điểm phong tỏa được dỡ bỏ ở tỉnh thì Bắc Ninh sẽ tổ chức thi như quy định chung của Bộ.
Theo đó, tỉnh vẫn bố trí phòng thi cách ly cho học sinh diện F2. Riêng đối tượng F1 tùy theo số lượng có thể tổ chức mỗi huyện, thị 1 điểm thi riêng hoặc tổ chức 1 điểm thi chung cho toàn tỉnh. Nhưng nếu tới thời điểm trên, dịch bệnh chưa kiểm soát được thì Bắc Ninh sẽ đề nghị Bộ cho tổ chức thi đợt 2.
“Các địa phương tùy điều kiện, nếu có thể xét nghiệm cho đối tượng dự thi là tốt nhất. Các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với sở y tế để rà soát phân loại các học sinh có F, với từng đối tượng để có giải pháp xử lý nhằm đảm bảo quyền lợi tối đa cho các em. Chúng ta tổ chức kỳ thi thành công và an toàn nhất”, ông Trinh nói.