Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) ban hành Thông tư số 27/2017 / TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp.
Thông tư 27/2017 / TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học (tại chức) bao gồm: đào tạo liên thông giữa trình độ sơ cấp với trình độ trung cấp; đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng. Đối tượng áp dụng chính sách là trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng.
Thông tư cũng quy định chi tiết đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông. Cụ thể:
Liên thông trình độ trung cấp bao gồm: Người có chứng chỉ sơ cấp, sơ cấp nghề cùng ngành có bằng tốt nghiệp THCS trở lên; người có bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp trung cấp thứ hai.
Liên thông trình độ cao đẳng bao gồm: Người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương; người có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai.
Thời gian đào tạo liên thông
Thời gian, hình thức tuyển sinh đào tạo liên thông được thực hiện theo Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng. Thời gian đào tạo liên thông được xác định trên cơ sở khối lượng kiến thức, kỹ năng quy định cho từng chương trình theo từng trình độ và phương thức, hình thức đào tạo.
Thời gian đào tạo liên thông theo niên chế giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng từ 1 đến 2 năm học tuỳ theo ngành, nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo.
Thời gian đào tạo liên thông theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp là thời gian để người học tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 5-11-2017.
Tham khảo Thông tư 27/2017 / TT-BLĐTBXH chi tiết tại đây
Theo Trungcapdongdo