Bỏ bớt các phương thức tuyển sinh
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), cơ bản tuyển sinh năm 2023 sẽ giữ ổn định như năm 2022. Tuy nhiên sẽ có một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh.
Cụ thể, Bộ GDĐT chỉ đạo, hướng dẫn các trường rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, không sử dụng các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.
Từ thực tế mùa tuyển sinh 2022 có đến 30% thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm đăng ký theo nguyện vọng khác nguyện vọng 1, vì vậy Bộ GDĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh. Trong đó có thể xem xét khuyến cáo các trường đại học không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022.
Tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT (tuyển sinh đợt 1).
Thay đổi việc tính điểm cộng trong chính sách ưu tiên
Ngoài các điểm mới nêu trên, Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh một điểm mới sẽ thực hiện từ năm 2023, là thay đổi chính sách cộng điểm ưu tiên.
Điểm mới này đã được quy định trong quy chế tuyển sinh mà Bộ GDĐT ban hành hồi tháng 6.2022 và chính thức áp dụng trong mùa tuyển sinh năm 2023.
Theo đó, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) được xác định theo công thức sau:
Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 điều 8.
Với công thức này, thí sinh đạt từ 22,5 điểm trở lên thì điểm ưu tiên sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên sẽ bằng 0. Với điểm mới này sẽ hạn chế tình trạng điểm chuẩn “vượt chuẩn”, trên 30 điểm/3 môn vẫn có thể trượt đại học như đã xảy ra những năm trước.
Bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trên cơ sở các số liệu về tuyển sinh năm 2022, để hệ thống hoạt động ổn định trong các năm tiếp theo, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, Bộ GDĐT sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo phân tích, đánh giá hiệu quả của từng phương thức tuyển sinh để lựa chọn và sử dụng một số phương thức nhất định, tránh đưa ra nhiều phương thức xét tuyển dẫn đến không đảm bảo sự công bằng và gây khó khăn, nhầm lẫn cho thí sinh.
Trên thực tế, năm 2022 có tới 20 mã phương thức xét tuyển đại học. Trong đó phương thức thứ 20 để tên là “Sử dụng phương thức khác”, tức là số phương thức thực tế các trường đề ra để tuyển sinh có thể nhiều hơn.
Việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến thí sinh có nhiều phương án lựa chọn trong xét tuyển, nhưng cũng có ý kiến cho rằng “đánh đố học sinh”, khiến các em bối rối khi lựa chọn.
Có thể bạn quan tâm:Tin tuyển sinh
Tổng hợp