Bộ Giáo dục và Lao động nói gì về giáo dục nghề nghiệp

Bộ Giáo dục và Lao động nói gì về giáo dục nghề nghiệp

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều có những lý lẽ, dẫn chứng cho rằng bộ mình quản lý giáo dục nghề nghiệp là hợp lý.

Ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho rằng Luật Giáo dục nghề nghiệp được Chính phủ giao cho Bộ Lao động soạn thảo, được Quốc hội thông qua tháng 12/2014. Vì vậy, Bộ hiểu rõ các quan điểm, tư tưởng, định hướng được quy định tại từng điều luật. Điều đó tạo lợi thế trong việc quản lý nhà nước, hoạch định chính sách liên quan đến giáo dục nghề nghiệp.

onglan.jpg

Ông Dương Đức Lân, Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề. Ảnh: Hoàng Phương.

Trên thực tế, Bộ Lao động có 39 năm được giao là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về dạy nghề (1955 đến 1977 và 1998 đến nay) nên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Điều đó thể hiện rõ trong giai đoạn từ 1998 trở đi, dạy nghề có bước phát triển mạnh mẽ, hội nhập với khu vực và thế giới.

Giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam cũng như trên thế giới là lĩnh vực nặng về thực hành và rèn luyện kỹ năng nghề theo nhu cầu của người sử dụng lao động. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề từ trước đến nay đều do Bộ Lao động chịu trách nhiệm tổ chức cho các bộ ngành xây dựng và ban hành. Hiện nay, trên 200 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề được ban hành đều do Bộ Lao động quản lý. Đây là căn cứ để xây dựng đào tạo nghề theo hướng chuẩn hóa và đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động.

Theo ông Lân, thực chất đào tạo trình độ cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp cũng là đào tạo nghề nghiệp và theo hướng ứng dụng thực hành. Từ năm 2007 đến nay, Bộ Lao động quản lý và tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng với quy mô hàng năm đạt gần 2 triệu người. Trong đó, tuyển sinh cao đẳng nghề và trung cấp nghề đạt 250.000-300.000 người/năm.

“Hầu hết các nước trên thế giới đều đào tạo nghề dựa trên tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Đào tạo nghề mà không gắn với tiêu chuẩn kỹ năng nghề là vu vơ, xa rời nhu cầu của người sử dụng lao động và nhu cầu thực tế xã hội. Từ thực tiễn và kinh nghiệm trên, việc giao Bộ Lao động quản lý về giáo dục nghề nghiệp là phù hợp”, ông Lân bày tỏ quan điểm.

Người đứng đầu Tổng cục Dạy nghề cho hay, hiện tại Thủ tướng đã giao cho Bộ Lao động chủ trì soạn thảo những văn bản hướng dẫn luật, bao gồm 3 nghị định, 4 quyết định và 24 thông tư. “Trong cuộc thẩm định tại Bộ Tư pháp ngày 8/4, các bộ đều đồng tình với nội dung cơ bản trong dự thảo, tuy nhiên đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng ý”, ông Lân thông tin và khẳng định nếu Chính phủ giao Bộ Lao động quản lý giáo dục nghề nghiệp thì thời gian tới dạy nghề sẽ phát triển mạnh.

Trái với lập luận của Bộ Lao động, trong văn bản góp ý dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động xây dựng, Bộ Giáo dục đã phân tích rất nhiều điểm chưa phù hợp.

Về mặt pháp lý, điều 100 của Luật Giáo dục đã quy định Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục; các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ Giáo dục quản lý nhà nước theo thẩm quyền. Và các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp. Việc dự thảo nghị định của Bộ Lao động quy định cụ thể Bộ Lao động là cơ quan quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp ở trung ương trong khi chưa có sự thống nhất giao nhiệm vụ của Chính phủ là chưa phù hợp. 

Bộ Giáo dục cho biết, từ năm 1997 đến nay, Bộ này chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ Lao động quản lý nhà nước và dạy nghề. Sự không thống nhất này đã làm mất đi tính hệ thống, dẫn tới nhiều loại văn bằng chứng chỉ thiếu tính tiêu chuẩn, nhiều cơ chế chính sách chồng chéo trong cùng hệ thống giáo dục quốc dân, gây khó khăn cho việc xây dựng xã hội học tập. Cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực bị mất cân đối, khó khăn cho việc quy hoạch tổng thể từ giáo dục phổ thông đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, từ đó gây ra những lãng phí lớn.

Mặt khác, do chính sách, chiến lược trong phát triển giáo dục, đào tạo và công tác quản lý không thống nhất nên đã nảy sinh nhiều khó khăn trong chỉ đạo thực hiện. Cùng với đó là việc hình thành hai bộ máy cồng kềnh cùng quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo các cấp từ trung ương đến địa phương. Điều này không hợp với chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ về công tác cải cách thủ tục hành chính, giảm đầu mối quản lý.

“Việc đề xuất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động như dự thảo Nghị định sẽ tiếp tục tạo ra sự phân tán, chia cắt giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học. Những vấn đề tập trung nguồn lực tạo ra sự đột phá trong đào tạo nhân lực có tay nghề cao, sự phân luồng bị cản trở do ngành Lao động địa phương không thể can thiệp được vào nhà trường phổ thông để làm công tác giáo dục hướng nghiệp”, Bộ Giáo dục phân tích.

Bộ này cũng khẳng định kinh nghiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới cho thấy giáo dục nghề nghiệp luôn gắn với nhà trường, học sinh, sinh viên và nhà giáo. Ở hầu hết quốc gia phát triển và ASEAN, Trung Quốc, Australia thì cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đều là Bộ Giáo dục, còn nhiệm vụ đào tạo kỹ năng nghề mang tính ngắn hạn có thể do bộ, ngành khác.

Hoang-Ngoc-Vinh-7220-1429009946.jpg

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp.

Ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp phân tích thêm, nói đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu kỹ năng thì quốc gia nào, cơ sở nào cũng phải thực hiện. Thực tế năm 2014 có tới 83% lao động trong độ tuổi của Việt Nam vẫn chưa được đào tạo kỹ năng (theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư). Quan điểm cho rằng ngành lao động sẽ làm được việc này càng sai lầm, vì từ thực tiễn đã chưa làm được, hơn nữa bối cảnh phân cấp hiện nay không còn quản lý hệ thống kiểu cầm tay chỉ việc nữa mà là thiết kế cơ chế tự chủ và chịu trách nhiệm cho chính cơ sở đào tạo.

“Bên cạnh đó, một câu hỏi đặt ra tại sao trường nghề vẫn thiếu người học nghiêm trọng, tại sao các doanh nghiệp FDI (như Samsung chẳng hạn) lại không mặn mà tuyển sinh từ các trường nghề mà có đến 90% tuyển người lao động từ học sinh tốt nghiệp THPT”, ông Vinh phân tích.

Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp cũng cho biết, kinh nghiệm thế giới cho thấy muốn đào tạo kỹ năng thì không chỉ có trường nghề mà vai trò rất lớn là của doanh nghiệp – nghĩa là cần tư nhân hóa công tác đào tạo kỹ năng, trả nhiệm vụ này về cho doanh nghiệp như nhiều quốc gia Nhật bản, Mỹ đã làm. 

“Nhấn mạnh đến kỹ năng là điều không ai phủ nhận nhưng chính ngành lao động lại rất khao khát vào cơ chế liên thông với giáo dục đại học để nhằm thu hút người học nghề. Điều đó nói lên cái gì? Phải chăng chúng ta đang rất lúng túng khi thiết kế hệ thống với sự nặng nề của tư duy bao cấp theo kiểu dạy nghề quốc doanh? Như vậy thì hệ thống sẽ không bao giờ phát triển được”, ông Vinh nói.

Bộ Giáo dục đề nghị Bộ Lao động gửi dự thảo văn bản này hỏi ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp như UBND tỉnh, Sở giáo dục các tỉnh, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường cao đẳng, trường đại học có hệ cao đẳng…

Theo Vnexpress

Share

Trả lời