“Con nên học ngành gì hả cô”

“Con nên học ngành gì hả cô”

Tôi có một phần đồng cảm với tâm trạng “đau đầu hướng nghiệp sớm cho học sinh” của nhà trường và giáo viên, hiểu được vì sao các thầy cô chọn cách an toàn là tập trung dạy kiến thức thay vì chú ý giúp học sinh chọn lựa được ngành nghề nào phù hợp để theo đuổi.

Tuy nhiên, tôi cho rằng không thể vì khó mà nhà trường đẩy trách nhiệm hướng nghiệp cho học sinh sang vai của phụ huynh vì phụ huynh gần như không có được một kênh thông tin chính thức nào để giúp họ làm được công việc này. Vậy nên phụ huynh đành phải tìm sự tư vấn từ những người mà họ biết và tin tưởng.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày gần phải làm hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học là tôi lại được nhiều người thân quen nhờ tư vấn dùm cho con cháu họ nên học ngành gì, học cái gì ra để có thể xin được việc, không lo thất nghiệp. Một câu hỏi mà người ta tin tưởng rằng với một giảng viên đại học như tôi là “dễ như ăn kẹo” nhưng thực ra lại khó đến không tưởng! Tiếc rằng cái mà tôi biết rõ nhất lại là số lượng người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên bị thất nghiệp!

Theo số liệu do Viện Khoa học lao động và xã hội công bố, trong quý 3/2017, cả nước có hơn 1 triệu lao động trong độ tuổi thất nghiệp, trong đó nhóm trình độ đại học trở lên là 237.000 người, tăng 53.900 người so với quý 2, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm này là 4,51%.

Những con số này chẳng những không giúp ích được nhiều cho tôi để trả lời câu hỏi khó kia. Điều tôi cần là những thống kê đáng tin cậy rằng ngành nào, địa phương nào đang thiếu nhân lực, thiếu bao nhiêu? Trong tương lai gần như 5 năm, 10 năm tới ngành nào sẽ bị bão hòa lượng lao động? Hầu như không có một cơ quan chức năng nào công bố những con số cần thiết này.

Tôi chỉ biết đến những thông tin kiểu như ngành giáo dục đang dư thừa giáo viên, ngành ngân hàng đang bão hòa nhân lực chứ không còn nóng như những năm trước nữa… qua các trang báo, các chương trình tin tức.

Đối với những em học giỏi là dễ nhất, tôi tư vấn ngay nếu chỉ cần ra trường có việc làm ngay thì cứ thi vào Quân đội, Công an. Nhưng đối với những em học lực từ trung bình đến khá lại không có đam mê với bất cứ ngành gì, bố mẹ chọn đâu đi đó lại khó vô cùng. Sư phạm thì điểm chuẩn thấp, lại được miễn học phí nhưng đầu ra chưa thấy đâu. Các ngành như tự động hóa, cơ khí, sửa chữa ô tô… học xong nếu về quê lại không xin được việc, chỉ có trụ lại ở thành phố mới có cơ hội được làm đúng ngành học.

Nếu lỡ nghe tôi tư vấn rồi sau này thất nghiệp thì làm sao tôi đền lại cho gia đình các em và chính các em 4 năm tuổi trẻ, hoặc nếu các em chỉ xin được việc ở thành phố chứ không phải ở quê thì rồi mai này bố mẹ các em cô đơn lúc xế chiều cũng lại quay sang trách tôi. Quan trọng hơn nữa, làm sao tôi có thể không áy náy, ân hận nếu như vì tin tưởng tôi mà các em phải khổ khi học xong thất nghiệp.

Tôi đành trả lời một cách rất lý thuyết: phải xem cháu/em nó thích học ngành gì, nhà trường hướng nghiệp ra sao. Có phụ huynh lại không tin tưởng vào môn hướng nghiệp của nhà trường nên tôi chỉ còn một cách cuối cùng: Thôi thì chờ các báo tổ chức tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp để tham dự, nếu có tổ chức ở xa cũng ráng thu xếp mà đi

Theo Dân trí

Share

Trả lời