Hiện nay, tình trạng sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường ngày càng tăng. Điều này đã tác động đến suy nghĩ của nhiều bậc phụ huynh và học sinh, nhiều em sau khi tốt nghiệp cấp 3, thậm chí tốt nghiệp cấp 2 , gia đình đã định hướng học trung cấp, học nghề thay vì thi đại học với mong muốn sớm có việc làm ổn định.
Có một sự thật là lựa chọn vào các trường đào tạo trung cấp, nghề đối với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vừa giảm gánh lo học phí cho cha mẹ, vừa dễ tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Chỉ với một khoản chi phí nhỏ, thời gian đào tạo ngắn, tốt nghiệp nhanh, có thể kiếm việc ở bất cứ đâu là những ưu điểm khiến ngày càng đông bạn trẻ lựa chọn học trung cấp, học nghề làm bước đệm vững chắc cho tương lai.
Một thống kê chỉ ra rằng, học vị càng cao càng dễ thất nghiệp. Lý do là với tấm bằng tú tài trong tay, người trẻ luôn mong muốn tìm được “việc nhẹ lượng cao”. Trên thực tế, cuộc sống lại không phải hoàn toàn là màu hồng như vậy.
Thực tế, nhiều sinh viên cầm tấm bằng đại học trên tay không đồng nghĩa có cơ hội việc làm như ý. Trong khi đó, các sinh viên trường nghề, trung cấp vẫn có nhiều khả năng tìm kiếm được việc làm tốt, đảm bảo về tài chính.
Về phía các nhà tuyển dụng, các công ty lớn thường đề cao kinh nghiệm làm việc. Nhiều nơi cho rằng các sinh viên Đại học vừa tốt nghiệp chưa được chuẩn bị sẵn sàng cho công việc họ ứng tuyển mặc dù được học đúng chuyên ngành. Trong khi đó, học viên đào tạo từ những trường trung cấp, nghề lại được đón nhận nhiều hơn.
Các nhà tuyển dụng có quan tâm bằng cấp không? Chắc chắn là có, tuy nhiên nhà tuyển dụng quan tâm hàng đầu vẫn là chất lượng của tay nghề, khả năng đáp ứng được nhu cầu công việc, khả năng bắt kịp môi trường làm việc và thái độ công việc của người ứng tuyển. Tuy nhiên, điều đó không phải bằng đại học hay bằng cấp khác không có ý nghĩa khi tham gia thị trường lao động.
Thực tế đáng buồn là phần lớn sinh viên ra trường hiện nay không đáp ứng được những yêu cầu đó của nhà tuyển dụng. Muốn sử dụng được lực lượng lao động, các doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kể cả những sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học hàng đầu.
Một trong những vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp phải đào tạo lại cho sinh viên là ý thức công việc. Nhiều đơn vị tuyển dụng cho biết ý thức của không ít bạn trẻ mới ra trường kém. Sinh viên bước ra từ những trường đại học có thường mắc tâm lý tự kiêu, có phần ảo tưởng, thiếu tinh thần học hỏi và cầu tiến
Thay vì chọn con đường bằng cấp, các bạn trẻ nên tìm cho mình những hướng đi riêng. Trong thực tế, đã có nhiều kỹ sư, cử nhân cũng chấp nhận từ bỏ tấm bằng để theo đuổi một công việc mới hấp dẫn hơn.
Ông Hà Quang Minh, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm tại Đà Nẵng cho biết, ngày càng có nhiều công ty, xí nghiệp thành lập, thu hút một lượng lớn lao động có tay nghề, trong khi đó nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học lại thất nghiệp.
Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” kéo dài nhiều năm qua đã tác động đến việc chọn nghề của giới trẻ. Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thay vì học lên đại học đã chọn học nghề, học trung cấp; thậm chí có những em đỗ đại học, kể cả đã học xong đại học cũng quay về học nghề. Nắm bắt được xu thế này, nhiều cơ sở đào tạo nghề đã có những hướng đi mới, xây dựng chương trình đào tạo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, đào tạo sâu các kỹ năng thực tiễn.