Trước những băn khoăn, trăn trở của du học sinh Việt đang học tập tại các nước trên thế giới về việc nên về hay ở lại giữa đại dịch Covid-19, bác sĩ đã đưa ra phương án và lời khuyên chi tiết.
Tổ chức Y tế thế giới coi Châu Âu hiện nay như một tâm dịch Covid-19 mới, tình hình vẫn diễn biến rất phức tạp.
Theo Tiến sĩ – Bác sĩ Tạ Anh Tuấn, Bệnh viện Nhi Trung ương hiện nay dịch Covid-19 đang lan rộng ra các quốc gia, đặc biệt Châu Âu như Mỹ, Italy, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ…
Bác sĩ Tuấn đã biên tập lại các thông tin làm thế nào để an toàn mùa dịch giúp các du học sinh có gợi ý để chọn cho mình phương án phù hợp.
Dưới đây là những phương án cho các du học sinh được Tiến sĩ – Bác sĩ Tạ Anh Tuấn – Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ trong bài viết: “Covid-19, du học sinh: Về hay ở? Những gì cần chuẩn bị?”.
Phương án I: Ở lại
1. Nếu chọn phương án ở lại nơi mình đang học tập, du học sinh phải thường xuyên cập nhật tin tức về dịch ở nước sở tại và thực hiện theo các biện pháp khuyến cáo phòng chống dịch của nước sở tại. Ngoài ra các bạn có thể tham khảo các khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam, CDC (Mỹ) và WHO.
2. Chuẩn bị tâm lý có thể phải ở trong phòng/ký túc xá rất lâu, thông thường 3 tháng cho một vụ dịch, bên cạnh đó chuẩn bị sách truyện, nhạc ưa thích để giúp giảm hoặc không bị stress.
3. Chuẩn bị các phương tiện cá nhân và học cách sử dụng chúng như: khẩu trang, xà phòng rửa tay, nước sát khuẩn khô, khăn giấy ướt có cồn, khăn giấy khô, giấy vệ sinh. Thay quần áo khi buộc phải ra ngoài, ăn đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, ăn chín uống sôi, tránh rượu bia, vệ sinh nhà, bàn ghế, máy tính, điện thoại… thường xuyên, lau sạch tất cả bao bì thức ăn khi mua về, sấy hoặc phơi nắng chúng, tập thể dục đều đặn.
4. Chuẩn bị những thứ cần dùng trong khoảng 1-2 tuần để hạn chế đi siêu thị, không nên tích trữ quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng như: Mì tôm, miến, các loại hạt đỗ để ủ làm giá và các loại rau mầm, các loại quả củ để được lâu (bí xanh, bí đỏ khoai tây…); mua thêm một số rau quả muối để được lâu (kim chi, dưa chuột muối, măng chua, măng khô…).
5. Chuẩn bị một số thuốc thiết yếu: hạ sốt, cảm cúm, vitamin D, vitamin C, bông băng cồn 70 độ, nước sát khuẩn tay khô (để dùng khi ra ngoài), nước muối sinh lý, thuốc chống dị ứng, tiêu chảy (dung dịch orezol hoặc gói orezol nhưng phải pha đúng theo hướng dẫn và nhớ không san sẻ orezol khi pha vì gây nguy hiểm).
Nên chuẩn bị muối và đường (giúp pha dung dịch để bù dịch bằng đường khi sốt cao, ỉa chảy khi không có orezol. Cách như sau: Pha một muỗng cà phê muối ăn (gạt ngang) và tám muỗng cà phê đường cát (gạt ngang) vào một lít nước đun sôi để nguội rồi uống theo nhu cầu. Muối có thể dùng để sát khuẩn hoặc có thể dùng để ngâm rửa rau quả sống và đừng quên mua thêm ít bông băng gạc…
6. Ưu tiên mua sắm online để hạn chế tiếp xúc giảm nguy cơ gây lây nhiễm, nhớ lau chùi gói đồ bằng nước sát khuẩn và vệ sinh tay sau khi nhận mở đồ.
7. Đi siêu thị nhớ đeo khẩu trang, không bắt tay có thể sử dụng các phương pháp chào nhau như chạm khủy tay… vừa mang tính khôi hài giúp giảm stress, khi xếp hàng hoặc tiếp xúc với ai đó cố gắng duy trì khoảng cách ít nhất 1m. Nhớ dùng khủy tay che miệng khi ho, hắt hơi, tốt nhất dùng khăn giấy mang theo để sử dụng. Nhớ không sờ vào mặt trước khẩu trang, khi tháo bỏ khẩu trang cầm vào hai dây, bỏ khẩu trang khăn giấy sau khi sử dụng vào thùng rác.
8. Để tránh buồn chán và stress: luôn nghĩ ra công việc để bận rộn trong thời gian 3 tháng (như vẽ tranh, làm thơ, viết truyện, sáng tác nhạc, học một ngoại ngữ mới…) thường xuyên trò chuyện với bạn bè, người thân đặc biệt khi cảm thấy stress và luôn có 3-5 người bạn thân ở nước sở tại. Tìm và lưu trữ số điện thoại bảo hộ công dân của Việt Nam hoặc Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại để nhờ giúp đỡ khi cần.
Phương án II: Chuẩn bị về và về
1. Tìm hiểu tin tức về tình hình dịch tại các sân bay sẽ đi qua và các khuyến cáo qui định của Việt nam khi nhập cảnh.
2. Chuẩn bị hành trang: tránh mang nhiều đồ chủ yếu tập chung cho các phương tiện cá nhân để thuận tiện khi di chuyển.
– Phương tiện phòng hộ cá nhân: Nước rửa tay khô chai tối đa 100 ml 1 chai/ 5 giờ bay (chú ý đọc kỹ các qui định của hãng hàng không về các dung dịch được mang lên máy bay). Xà phòng rửa tay hoặc xà phòng tắm 1 chai nhỏ phòng khi trên máy bay hết. Khăn giấy khô 1 gói / 5 giờ bay. Khẩu trang y tế 2 cái/ khẩu trang giấy hoặc vải 4 cái/ 5 giờ bay. Dây cột tóc và nón trùm đầu 1 bộ/ 5 giờ bay. Khăn quàng cổ 1 chiếc/ 5 giờ bay. Quần áo gió nhẹ mặc ngoài 1 bộ/ 5 giờ bay. Kính mắt to giúp bảo vệ mặt. Túi nylon nhỏ 3-5 cái. Túi nylon lớn. Khăn choàng hoặc giấy tạp chí cũ 1 cái/ 5 giờ bay, 1 cái/ 1 transit. Bình đựng nước (xin – mua nước ở sân bay). Ba lô có 2-3 ngăn (ngăn để đồ dùng cá nhân thuốc… ngăn đồ sạch, ngăn để đồ bẩn).
– Thuốc cần thiết: Hạ sốt; nước muối sinh lý chai <100ml dùng súc miệng; khăn ướt có tẩm cồn dùng để sát khuẩn tay, chỗ ngồi, bàn ăn trên máy bay.
3. Tránh nguy cơ lây nhiễm khi đi máy bay
– Tuyệt đối không tiếp xúc trực tiếp các bề mặt, luôn tiếp xúc gián tiếp qua khăn giấy dùng 1 lần rồi bỏ.- Luôn nhớ rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay tại các thời điểm: trước khi đeo khẩu trang, sau khi tháo khẩu trang, sau khi lỡ tiếp xúc với khẩu trang, sau khi lỡ chạm vào các vật dụng trên máy bay, sau khi lỡ chạm người khác, trước và sau khi ăn; trước khi tiếp xúc cơ thể (như cột tóc, thay quần áo, cởi quần áo trong nhà vệ sinh..); sau khi chạm vào vật dụng cá nhân như balo, laptop, điện thoại, máy tính bảng… sau khi đi vệ sinh.
– Khẩu trang đã cởi ra thì không tái sử dụng, bỏ khẩu trang đã dùng vào túi nylon nhỏ để sau đó vứt vào thùng rác.
– Tóc luôn cột gọn gàng và che kín bằng nón trùm đầu, thay nón trùm đầu mỗi 5 giờ.
– Quần áo mặc 2 bộ, bộ ngoài che kín bộ trong; thay bộ ngoài mỗi 5 giờ theo kiểu cuộn từ trên xuống, từ trong ra; hạn chế tiếp xúc mặt ngoài của quần áo, quần áo mặc ngoài nếu không thể thay tại chỗ ngồi thì thay trong nhà vệ sinh. Thay xong bỏ vào bao nylon cột lại giặt khi hạ cánh, nhớ rửa tay sau khi cởi quần áo cũ trước khi mặc quần áo mới.
– Mang theo chai đựng nước tránh uống chung ly trên máy bay và cố gắng uống nhiều nước có thể vì đi máy bay di chuyển dễ bị mất nước.
– Ăn thức ăn nóng, không ăn đồ nguội.
– Dùng khăn giấy mang theo, không dùng khăn giấy trên máy bay.
– Lau sạch bàn ăn trước và sau khi ăn bằng khăn giấy ướt.
– Lót giấy báo trước khi ngồi vào ghế máy bay hoặc ghế transit, xong rồi cuộn vứt đi, cuộn mặt ngoài (mặt tiếp xúc với ghế) vào trong. Rửa tay ngay sau đó. Nếu ngại dùng giấy báo thì dùng áo thun hoặc khăn choàng dùng xong bỏ vào túi nylon buộc lại bỏ vào balo ngăn để đồ bẩn.
– Thường xuyên lau mặt bằng khăn giấy ướt hoặc khăn giấy tẩm cồn độ, lau mắt kính trước khi đeo lại vào mặt.
– Xúc họng bằng nước muối tối thiểu trong 30 giây sau ăn, trước và sau ngủ.
– Hạn chế mua đồ ăn, đồ lưu niệm, trao đổi tiền… tiền nhận lại từ các cửa hàng phải khử khuẩn bằng cồn hoặc nước rửa tay và để khô tự nhiên. Thẻ ATM cũng vậy.
– Nếu thấy tiếp viên hàng không sử dụng găng tay phục vụ cho nhiều khách không dùng đồ họ đưa hoặc nhắc nhở họ thay găng sau mỗi lần phục vụ cho 1 hành khách hoặc nếu không dùng găng thì phải rửa tay trước và sau khi phục vụ mỗi hành khách để tránh lây nhiễm từ tiếp viên vì như vậy họ chỉ bảo vệ họ thôi.
– Passport và các loại giấy tờ: bỏ vào túi zip và để ngăn đồ bẩn, sử lý sau khi hạ cánh. rửa tay sau khi cầm nắm các loại giấy tờ passport.
– Sử dụng nhà vệ sinh: hạn chế sử dụng nhà vệ sinh, nếu dùng nhớ xịt sát khuẩn bồn cầu và chờ khô phút trước khi ngồi xuống bồn cầu. Xịt sát khuẩn sau khi đi xong để tránh lây bệnh cho người sau nếu bạn lỡ nhiễm bệnh.
– Transit: tránh di chuyển nhiều khi transit, tốt nhất là ngồi gần cổng kế tiếp, trong quá trình transit cũng như ở trên máy bay tuyệt đối tránh nói chuyện để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm hoặc phát tán virus. Luôn áp dụng phòng hộ cá nhân như trên máy bay.
– Khi nhập cảnh nhớ trung thực thông báo về tình trạng sức khỏe cũng như lịch trình của mình và làm theo hướng dẫn của kiểm dịch y tế và hải quan sân bay, tránh giấu lịch trình như em N17 nhé.
III. Với các bậc phụ huynh
– Không nên lo lắng hốt hoảng, hãy tin tưởng vào con em mình, luôn bình tĩnh không sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các cháu, đừng nghĩ con mình vẫn còn bé, các cháu đã đi du học và hòa nhập được để học tập là đã trưởng thành và trưởng thành hơn bố mẹ suy nghĩ nhiều.
– Luôn chuyện trò động viên các cháu đề giúp các cháu giảm stress. Khi chuyện trò với con tránh khuyên nhủ phải thế này thế nọ sẽ gây ức chế cho con. Hãy để cho con quyết định nên ở hay nên về phù hợp với mỗi hoàn cảnh và hãy tin tưởng ủng hộ quyết định của các cháu.
IV. Nếu bị cách ly
– Tuân thủ các qui định và hợp tác với cơ sở cách ly và qui định của nước sở tại.
– Nếu bạn bị cách ly ở Việt Nam thì yên tâm nhé vì cách ly ở Việt Nam khá tốt, bạn nên gọi thức ăn ở ngoài vào nếu được phép và để quỹ tiền ăn lại cho chương trình chống dịch, vì chắc chắn bạn sẽ rất nhớ món ăn quê hương.
– Trong thời gian này nên tranh thủ kết bạn và tìm người yêu nhé- Lên chương trình làm việc, nghỉ ngơi.
– Sống chậm lại để nhìn lại và cảm nhận về bản thân.
– Nếu bạn cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình và cho đất nước: Sẽ không là gánh nặng nếu bạn đã cố gắng phòng hộ tốt và không để bị nhiễm, còn nếu bạn lỡ nhiễm thì bạn nên hiểu rằng bạn cũng đã cố hết sức nhưng không thành công.
– Một điều rất có ý nghĩa qua vụ dịch này bạn sẽ thấy yêu đất nước mình hơn vì dù ở lại hay trở về đất nước vẫn luôn che trở bạn, đặc biệt khi bạn gặp khó khăn, đừng quên tuyên truyền những điều tốt đẹp bạn đã thấy, bình tĩnh tìm đọc những thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, kiên quyết chống lại tin fake và không quên giúp đỡ đồng bào mình khi học hành thành tài.
Cuối cùng chúc các bạn luôn may mắn và có được lựa chọn về hay ở phù hợp với từng hoàn cảnh của mình, hãy bình tĩnh, đừng hoảng sợ!
Theo Dân trí