Đồng bộ giáo dục nghề nghiệp

Đồng bộ giáo dục nghề nghiệp

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu nêu ra tại hội thảo “Giáo dục nghề nghiệp và các giải pháp đồng bộ góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông”. 

Ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết để định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông, các trường cần có những đổi mới phù hợp tình hình xã hội. “Giáo dục nghề nghiệp cần phải tiến hành nhiều giải pháp có tính đồng bộ như: đổi mới mục tiêu đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng cá nhân hóa, kết hợp với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề theo chương trình tiên tiến của khu vực và thế giới” – ông Thanh đưa ra các giải pháp.

Ông Mark Howland, đại diện Bộ Giáo dục và cộng đồng ban New South Wales (Úc), cho rằng để định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần phải có sự gắn kết giữa nhiều bên: nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp, phụ huynh và học sinh. Theo ông Mark Howland, trước đây hệ thống giáo dục dạy nghề của Úc cũng bị phê phán vì không phản ứng nhanh nhạy với nhu cầu doanh nghiệp. “Ngày nay, chúng tôi có 11 hội đồng kỹ năng ngành công nghiệp, do các ngành công nghiệp điều hành độc lập. Các hội đồng này sẽ có nhiệm vụ cung cấp thông tin chiến lược và lời khuyên cho chính phủ và doanh nghiệp về tình hình phát triển nguồn nhân lực cũng như nhu cầu kỹ năng; đóng góp ý kiến về đào tạo nghề, giải quyết đầu ra cho người học nghề…” – ông Mark Howland chia sẻ.

8TROvGY1.jpg

Trong khi đó ông Phùng Quang Huy, giám đốc Văn phòng giới thiệu sử dụng lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), cho rằng để góp phần định hướng nghề nghiệp giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề cần phải có mối liên kết chặt chẽ, đặc biệt là hai bên cùng liên kết tuyển sinh dạy nghề. “Doanh nghiệp cần cung cấp cho cơ sở dạy nghề nhu cầu nhân lực, góp ý xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ nơi thực tập, tiếp nhận người học sau khi tốt nghiệp. Phía cơ sở dạy nghề thay đổi chương trình đào tạo theo hướng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Người học nghề ra trường có nơi làm việc, có thu nhập ổn định thì mới có nhiều người theo học nghề”.

Theo Tuổi trẻ onl

Share

Trả lời