Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu sắc, bởi vậy nhiệm vụ và thách thức rất lớn đặt ra đối với hệ thống Giáo dục nghề nghiệp là phải đào tạo ra nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập của thị trường lao động.
Chủ đề “Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế” đã được đặt ra thảo luận tại chương trình Ngày hội truyền thông CATALYST lần thứ 1 do trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH SPKT Hưng Yên và ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia đồng tổ chức ngày 18/12 tại Hà Nội.
TS. Nguyễn Đức Hỗ – Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng và Thực nghiệm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp – Bộ LĐTB&XH nhấn mạnh vai trò của giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong phát triển nguồn nhân lực và phát triển KT-XH thời kỳ hội nhập.
Thời kỳ hội quốc tế đặt ra vấn đề quốc tế hóa trong sản xuất và phân công lao động một cách sâu sắc và mạnh mẽ. Thêm nữa, đi đôi với việc hợp tác là cạnh tranh trong hội nhập và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ quyết định lợi thế cạnh tranh của một quốc gia. Mặt khác, việc mở cửa nhân lực dịch chuyển lao động giữa các nước diễn ra rất mạnh mẽ, người lao động muốn có thể tìm việc và dịch chuyển môi trường làm việc thì phải có kiến thức, kỹ năng thích ứng với thị trường lao động.
TS. Nguyễn Đức Hỗ – Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng và Thực nghiệm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp – Bộ LĐTB&XH.
“Phương hướng phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2010, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong lao động toàn xã hội chiếm khoảng 40%, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm khoảng 65-70%. Chúng ta đã thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển GDNN phải gắn liền với nhu cầu phát triển KT-XH, xây dựng bảo vệ và Tổ quốc, tiến bộ KH-CN và yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thị trường lao động”, TS. Hỗ chia sẻ.
Bàn về thực trạng GDNN, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng và Thực nghiệm, Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp cho hay, hệ thống các trường GDNN (trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm GDNN) dưới sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH hiện tại phát triển tương đối đồng bộ và tạo ra phạm vi tương đối rộng trên toàn quốc về đào tạo nhân lực cung cấp cho thị trường toàn quốc. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đặt ra là không nhỏ
TS. Hỗ chỉ ra điều “hụt hẫng” của các nhà giáo trong hệ thống GDNN. Đó là họ tốt nghiệp ở trường đại học, sau đó không được bồi dưỡng về nghiệp vụ dạy nghề nhưng lại tham gia vào công tác dạy nghề ngay. Như vậy rất khó khăn đối với nhà giáo.
Thứ hai, chương trình đào tạo khi đăng ký hoạt động nghề nghiệp thì tất cả các cơ sở GDNN đều phải tự chủ trong biên soạn giáo trình. Mà đa phần các cơ sở GDNN khó khăn vì quỹ thời gian không có nhiều nên hầu hết các giáo trình hầu hết là theo chương trình cũ, ít cập nhật mới.
Năm 2018, chúng ta đã thí điểm xây dựng chuẩn đầu ra giúp các cơ sở GDNN dựa vào đó định hình xây dựng chương trình. Bộ LĐ-TB&XH cũng nhận thức rõ vai trò của chương trình đào tạo quan tâm và đã ưu tiên nhập khẩu một số chương trình ở nước ngoài (8 chương trình ở Malaysia, 14 chương trình từ Đức và 12 chương trình từ Úc) để triển khai đào tạo. Tuy nhiên, việc triển khai nhìn chung còn gặp khó khăn. Việc đảm bảo điều kiện chất lượng để đào tạo đội ngũ lao động tham gia vào thị trường lao động thời hội nhập là thách thức không nhỏ đối với không ít cơ sở GDNN.
Hiện cả nước có tới gần 2.000 cơ sở GDNN, tuy nhiên các cơ sở GDNN phân vùng không đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường lao động. Ở nơi cần lực lượng lao động thì lại không có cơ sở đào tạo. Ở nơi có nhiều cơ sở đào tạo thì sử dụng lao động không được nhiều. Do vậy, TS. Hỗ cho rằng, cần phải quy hoạch lại mạng lưới này. Đồng thời, để có lực lượng lao động đáp ứng thị trường thì cần quan tâm xác định các ngành trọng điểm và tập trung vào các trường trọng điểm có chất lượng đào tạo tốt.
Giáo dục nghề nghiệp góp phần quan trọng trong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao thời kỳ hội nhập.
Đội ngũ gần 8 vạn cán bộ giáo viên tham gia đào tạo ở hệ thống GDNN cũng cần được bồi dưỡng thường xuyên. Song, việc bồi dưỡng nâng cao trình độ của nguồn giáo viên rất cần thiết trong khi nguồn lực và điều kiện của nhiều cơ sở hạn chế. Mảng bồi dưỡng giáo viên của các cơ sở GDNN gần như còn thiếu.
Theo TS. Nguyễn Đức Hỗ, các giải pháp cốt lõi để nâng cao chất lượng của hệ thống GDNN là: quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, đổi mới chương trình và phương thức đào tạo, đầu tư trang thiết bị cho đào tạo, nâng cao năng lực chất lượng đội ngũ nhà giáo; đồng thời phát triển đào tạo nghề tại doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Hợp tác giáo dục bền vững thúc đẩy đào tạo nhân lực chất lượng cao
Tại chương trình, ông Pravesh Kumar Verma – Giám đốc Chiến lược về Công nghệ và Tiếp thị trực tuyến – Language Link Việt Nam nhấn mạnh thách thức đối với người lao động trong thời buổi hội nhập. Đó là tốc độ thay đổi chóng mặt của kỹ thuật như robot hoá, Internet vạn vật, in 3D/ AM, các dự án đổi mới cơ sở hạ tầng, sự liên kết ngành (ví dụ: công nghệ sinh học). Đó là những thay đổi nhân khẩu học: sụt giảm tăng trưởng dân số trong độ tuổi lao động, tốc độ gia tăng lực lượng lao động lại lớn hơn số lượng việc làm mới được tạo ra.
Bên cạnh đó, sự già hóa dân số ở các nước phát triển báo hiệu thực trạng thiếu lao động tương lai là điều có thể nhìn thấy được.
Ông Pravesh Kumar Verma trình bày tham luận tại chương trình.
Theo ông Pravesh Kumar Verma, các kỹ năng người lao động cần có trong tương lai để đảm bảo công việc gồm: kỹ năng STEM ở mọi cấp độ, ICT và lập trình, các kỹ năng giúp tiếp nhận, vận hành và bảo dưỡng kỹ thuật, sự sáng tạo, kỹ năng xã hội (sự tương tác, chăm sóc), các nhiệm vụ đòi hỏi sự khéo tay, không thể tự động hoá. Lao động Việt Nam không nằm ngoài những yêu cầu đó.
Và dự án CATALYST (Communicative Approaches in University Vocational Teaching Methodology focusing on Improving Educational Yield and Sustainability – Tiếp cận truyền thông trong giảng dạy tại trường đại học theo hướng phát triển giáo dục bền vững) do Tổ chức Erasmus+ thuộc Liên minh châu Âu tài trợ được đánh giá là một giải pháp với các vấn đề trong GDNN tại Việt Nam.
Triển khai từ 10/2016 – 10/2019, dự án được xây dựng với mục tiêu cải thiện, phát triển và hiện đại hóa hệ thống giáo dục đại học và hỗ trợ kết nối các quốc gia đối tác ở các khu vực khác nhau trên thế giới như châu Á chủ yếu thông qua các dự án hợp tác giữa các trường đại học. Thành viên tham gia chương trình là đại diện 13 đối tác giáo dục đến từ 6 quốc gia bao gồm Romania, Đức, Anh, Ireland, Việt Nam và Lào.
6 đại học Việt Nam góp mặt trong dự án gồm ĐH Bách khoa Hà Nội (HUST), ĐH Ngoại ngữ – ĐH Quốc gia Hà Nội (ULIS – VNU), ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (UTEHY), ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) và ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh (VUTED).
Ông Gerard Cullen – cán bô dự án Liên minh châu Âu – ĐH Công nghệ Dresden cho hay: CATALYST cây dựng và triển khai Bộ Chương trình Cốt lõi (gồm 12 mô-đun) toàn diện mang tính sư phạm, trong đó áp dụng thiết kế mô-đun theo Hệ thống chuyển đổi và tích lũy tín chỉ châu Âu (ECTS) có điều chỉnh, dành cho GDNN ở bậc đại học của Việt Nam.
“Đã đi được hơn nữa chặng đường, với những kết quả đạt được, chúng ta tin tưởng dự án sẽ là một giải pháp cập nhật và kịp thời để chuẩn bị nguồn nhân lực được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc và khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh đáp ứng xu hướng toàn cầu hóa và dịch chuyển lao động trong thời gian rất gần cho các nước tham gia”, đại diện này nhấn mạnh.
Theo Dân trí