Hàng loạt địa phương như TP HCM, Hà Nội, Vĩnh Phúc… tiếp tục cho nghỉ học để bảo vệ sức khỏe của học sinh và giáo viên trước dịch bệnh nguy hiểm Covid-19
Ngày 14-2, trả lời báo chí trong chuyến công tác kiểm tra việc triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và công tác phòng chống, ứng phó với dịch bệnh trong trường học, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ khẳng định trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19), Bộ GD-ĐT sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học.
Vì sức khỏe học sinh, giáo viên
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã có một số địa phương báo cáo Bộ GD-ĐT việc sẽ cho học sinh (HS) đi học trở lại từ ngày 17-2 sau 2 tuần tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid-19. “Tôi được biết lãnh đạo những địa phương này trên cơ sở tham mưu của Sở Y tế và Sở GD-ĐT, đã cân nhắc kỹ tình hình dịch bệnh ở địa phương để đưa ra quyết định cho HS đi học trở lại” – Bộ trưởng nhìn nhận.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu ngành giáo dục, do tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp nên các địa phương cần cân nhắc kỹ phương án cho HS đi học trở lại. Chỉ cho HS đi học trở lại khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh Bộ GD-ĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 và triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho HS tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho hay bộ này đang xây dựng văn bản hướng dẫn thi THPT quốc gia 2020. Tinh thần chung là căn cứ thực tế tình hình dịch Covid-19 để có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, nhiều khả năng sẽ không thay đổi lịch đăng ký thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH vào đầu tháng 4 tới. Ông Độ cũng cho rằng trước thực tế dịch bệnh hiện nay, dự đoán sẽ có một số địa phương có dịch phải nghỉ học kéo dài. Vĩnh Phúc đang là điểm nóng của dịch và bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể với địa phương này. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng học sinh nghỉ lâu sẽ thiệt thòi hơn vì không có thời gian ôn tập. Khi hết dịch, HS phải học bù nhiều hơn.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) được tập huấn sử dụng máy đo thân nhiệt. Ảnh: NGUYỄN THUẬN
Ở nhà học online
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội chiều 14-2 đã quyết định cho HS tất cả các cấp học nghỉ học đến ngày 23-2. Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Hà Nội, nhận định thông tin về các ca nhiễm Covid-19 ở Trung Quốc tăng đã khiến nhiều phụ huynh lo lắng, mong muốn cho HS tiếp tục nghỉ.
Trong khi đó, ngày 14-2, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các trường, đơn vị trên địa bàn cho HS các cấp tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 22-2. Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị các đơn vị phân công lịch trực cho cán bộ quản lý, người lao động, đẩy mạnh truyền thông về nguyên nhân, hậu quả, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và dịch bệnh mùa đông xuân trong nhà trường. Trong thời gian nghỉ học, các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có nhiệm vụ kết nối, thành lập các nhóm trao đổi trên mạng internet với phụ huynh, HS để định hướng cho các em ôn tập kiến thức, tự rèn luyện tại nhà.
Trong thời gian nghỉ học do dịch bệnh, HS và giáo viên của 40.000 trường học trên cả nước có thể dạy từ xa và học tại nhà miễn phí qua hệ thống ViettelStudy.vn. Chiều 14-2, Viettel cho hay sẽ miễn phí các nội dung học trực tuyến bao gồm các bài giảng, khóa học và bộ đề ôn tập, giúp HS bổ sung kiến thức và tự học tại nhà. Trước đó, Viettel đã miễn phí cước data cho thầy cô giáo và HS khi truy cập vào mạng xã hội học tập ViettelStudy thông qua sim 3G/4G Viettel để dạy và học trực tuyến. Thầy cô giáo cũng có thể tạo những bài giảng miễn phí trên hệ thống để truyền đạt kiến thức cho HS.
Tính đến nay, đã có 27 sở GD-ĐT trên cả nước liên hệ với Viettel để hỗ trợ các cơ sở giáo dục triển khai ViettelStudy. Cùng thời gian, tỉ lệ truy cập ViettelStudy đã tăng hơn 80 lần so với trước đó. Các thầy cô cũng đã tạo mới hơn 5.000 khóa học và 1.000 kỳ thi để giao bài tập và hướng dẫn học sinh học từ xa.
Đến chiều 14-2, hơn 40 trường đại học tiếp tục cho sinh viên nghỉ học đến hết ngày 23-2, thậm chí, có đơn vị cho sinh viên nghỉ đến hết tháng 2. Trường ĐH Thương mại thông báo từ ngày 17-2, nhà trường sẽ triển khai phương án giảng dạy và học tập trực tuyến trên phần mềm Trans. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã quyết định thông báo lùi tiếp lịch lên lớp của sinh viên đến hết ngày 23-2. Nhà trường đề nghị sinh viên tự học, học online với sự hướng dẫn của các thầy, cô giáo bộ môn.
Theo người lao động