Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu của mỗi người để duy trì năng lượng cần thiết cho mọi hoạt động trong cuộc sống. Ăn uống cũng góp phần tạo ra những nét phong cách, văn hóa đặc trưng cho từng vùng miền trong cả nước
Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu ăn uống cũng dần phát triển theo, người ta không còn phải ăn để sống mà là sống để ăn, để thưởng thức những món ăn ngon, tuyệt vời từ cách thức chế biến đến cách trình bày một món ăn hấp dẫn.
Nghề đầu bếp rất tiềm năng tại Việt Nam
Chính vì vậy, nghề đầu bếp có nhiều cơ hội phát triển và dần được xã hội tôn vinh. Nghề đầu bếp trở thành một nghề “hot”, được nhiều người theo học, đặc biệt là các bạn trẻ chọn nghề bếp để phát triển sự nghiệp tương lai của mình.
Nghề đầu bếp không đơn giản chỉ là chế biến những món ăn mà là nghệ thuật chế biến một món ăn đạt đến độ hoàn hảo, ngoài việc lựa chọn nguyên liệu phù hợp thì phải kể đến bí quyết sơ chế – chế biến thì nó còn cả một nghề thuật bày trí cho mỗi món ăn. Và một điều quan trọng hơn nữa đó là kỹ năng định lượng khẩu phần ăn cho một số lượng người nhất định, bạn cũng không thể bỏ qua công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho những người tiêu dùng chính sản phẩm của bạn làm ra.
Sự phù hợp nghề:
– Những người mắc bệnh ngoài da và đường ruột thì không thể làm nghề này. Vì nghề này đỏi hỏi rất vệ sinh, và thường xuyện được đưa đi kiểm tra sức khỏe, và nếu bạn mắc bệnh ngoài da và đường ruột thì nghề này hoàn toàn không phù hợp với bạn.
– Chiều cao: Trên 1m65, vì các hệ thống bếp để đưa nồi nấu đỏi hỏi người đầu bếp phải có chiều cao như trên mới phù hợp. Tuy nhiên, nếu thấp hơn và có cố gắng theo đuổi nghề nghiệp thì vẫn được.
– Người làm đầu bếp phải tương đối kỹ tính và sạch sẽ
ĐẶC ĐIỂM CỦA NGHỀ ĐẦU BẾP
Một món ăn hấp dẫn phải hội đủ “3 ngon”: ngon mắt, ngon mũi, ngon miệng. Vì thế người đầu bếp phải tinh tế, khéo léo và sáng tạo không khác gì người nghệ sĩ của màu sắc và hương vị để mang đến cho thực khách cảm giác hài lòng. Trong chương trình đào tạo sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, sinh viên được học tất cả những kiến thức liên quan đến các món ăn của Việt Nam, món ăn đặc trưng từng vùng, miền; cách chế biến món ăn Âu, Á; cách bảo quản thực phẩm trong mọi điều kiện – đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cách quản lý trang thiết bị nhà bếp. Rồi cách trang trí món ăn, bố trí tiệc như thế nào, giao tiếp với khách hàng ra sao, pha chế thức uống và cách làm các loại bánh…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, phó phòng đào tạo trường Trung cấp Công nghệ và Quản trị Đông Đô, để trở thành đầu bếp, bạn phải trang bị đầy đủ kiến thức về ẩm thực, dày dạn kinh nghiệm trong việc chế biến món ăn, có khả năng quản lý, tổ chức một bếp ăn. Hàng loạt kỹ năng cần phải rèn luyện như kỹ năng quản lý nhân sự trong bếp, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng tổ chức và cả kỹ năng cắt tỉa, kiếm thức về lựa chọn, an toàn thực phẩm…
Ông Lê Hồng Duyên, đầu bếp của nhà hàng Mexico Al Frescos đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ thích học nghề đầu bếp: “Mới đầu các bạn cũng sẽ phải làm phụ bếp khá vất vả, phải làm hết các việc từ rửa chén cho tới rửa rau, bị sai vặt… Quá trình này các bạn phải thật kiên nhẫn và chịu khó học hỏi. Nếu bạn có năng khiếu thì sau khi ra trường chừng 4 năm là có thể trở thành đầu bếp giỏi. Kinh nghiệm cho tôi thấy đầu bếp ngoài việc giỏi quản lý, nấu ăn ra còn phải biết ngoại ngữ. Đây là lợi thế để bạn có thể học nấu món ăn nước ngoài được nhanh và chính xác hơn. Và hiện nay lương của bạn cao hay thấp cũng còn phụ thuộc vào trình độ ngoại ngữ”.
Học viên Đinh Nho Anh chia sẻ: “Nghề đầu bếp không chỉ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ mà cần sự quan sát, óc thẩm mỹ, lúc mới học nghề các thầy cô chỉ dẫn cách sử dụng dụng cụ, cách chọn nguyên liệu đầu vào phải sạch sẽ, có xuất xứ và hạn sử dụng; những món nào đi với nguyên liệu nào, rồi vai trò của từng gia vị rồi đến cách chế biến, mức độ gia vị và khâu cuối cùng là cách trình bày món ăn sao cho thẩm mỹ… Muốn trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp cần phải học hỏi liên tục”.
Để trong vòng một thời gian ngắn có thể làm được một bàn tiệc, vừa ngon vừa phù hợp với văn hóa từng vùng miền. Ngoài những món ăn chính người đầu bếp lại phải cho thực đơn những món ăn kèm, loại nước uống, bia, rượu uống theo, để làm sao phục vụ được những vị khách khó tính nhất. Nếu ở nhiều nghề khác có những công thức cụ thể thì nghề đầu bếp còn phải có sự nhạy cảm về mùi vị, về thẩm mỹ… để có được một món ăn ngon phải kết hợp được từ rất nhiều phía và từ cảm nhận của khách hàng. “Đầu bếp người Việt Nam khó nhất là nấu cho người nước ngoài, vì phải hiểu biết về văn hóa, tâm lý, món ăn phải theo khẩu vị của từng nước, đặc biệt là những vị khách đến từ Trung Đông”, Tuấn Anh chia sẻ.
CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP
Đầu bếp làm việc theo ca, bao gồm cả ngày cuối tuần và ngày lễ theo yêu cầu của thực khách. Công việc này đôi khi khá căng thẳng và bận rộn, đặc biệt là vào những giờ cao điểm trong ngày hay các dịp lễ tết, các sự kiện đặc biệt như hội nghị, tiệc chiêu đãi v.v…
Người đầu bếp có tài có thể làm việc ở rất nhiều nơi: trong khách sạn, nhà hàng, câu lạc bộ, quán cà phê, bệnh viện, các trường nội trú, các cơ quan, đơn vị…
Ngành du lịch và khách sạn phát triển mạnh mẽ đang kéo theo nhu cầu nhân lực lớn về nghề này. Đầu tư phát triển các đầu bếp tài năng cũng là một cách quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè thế giới thông qua ẩm thực. Bên cạnh đó, với kinh nghiệm và khả năng, các đầu bếp và bếp trưởng hoàn toàn có thể tự mở nhà hàng kinh doanh cho mình.
Theo Tổng hợp