Phải coi học nghề là rất bình thường

Phải coi học nghề là rất bình thường

Đối thoại với 125 đại biểu tại diễn đàn khởi nghiệp – việc làm chiều 10-12, bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết năm 2018 Bộ này sẽ chọn giáo dục nghề nghiệp là khâu đột phá, với nhiều giải pháp mạnh mẽ…

Không khí diễn đàn về việc làm hào hứng ngay từ đầu khi bộ trưởng Đào Ngọc Dung mở đầu: “Tôi vui, phấn khởi và hạnh phúc khi được gặp gỡ, đối thoại với 125 đại biểu dự ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ XI. Đề nghị trao đổi thẳng thắn, những gì ở cơ sở cần đến ngành lao động, cần đến Chính phủ, các bộ ngành thì nêu lên nhằm làm tốt nhất chức trách của mình. Qua đây, góp thêm những sáng kiến, ý tưởng mới để ngành lao động làm tốt nhất”.

Thanh niên cần vốn, thông tin thị trường

Đại biểu Nguyễn Trung Hiếu (TP.HCM), một chủ trang trại giống thủy sản, cho biết trong lĩnh vực sản xuất giống cá thì diện tích nhỏ hẹp thì khó sản xuất, phát triển nên muốn thuê thêm quỹ đất công để thanh niên (TN) trong lĩnh vực nông nghiệp có thể phát huy năng suất. Mong được hỗ trợ 100% lãi suất khi đi vay ngân hàng. Mong được hợp tác với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực để phát triển nghề ra cả quốc tế.

Đại biểu Trần Thị Hồng Hạnh (bí thư đoàn xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM), cho rằng SV ra trường thất nghiệp, làm trái ngành nghề đào tạo nên cần được quan tâm hướng nghiệp, tư vấn việc chọn ngành nghề. Cần quan tâm đến việc cập nhật thị trường lao động cho giới trẻ, tư vấn hướng nghiệp… 

“Nhiều gameshow giải trí trên truyền hình, thì cũng nên có thêm nhiều sân chơi bổ ích để giới trẻ học hỏi, hay có thông tin thị trường…” – đại biểu nữ đoàn TP.HCM nêu ý kiến.

Đại biểu Thân Trung Kiên, phó bí thư tỉnh đoàn Bắc Giang cho biết TN nông thôn rất khó trong tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm. Vì thế đại biểu Kiên đề nghị Bộ LĐTB&XH và Ngân hàng Chính sách xã hội tạo một kênh vốn để đoàn được bố trí giải ngân mà không phụ thuộc vào trung ương nữa.

Đại biểu Nguyễn Văn Linh, phó bí thư thị đoàn Mường Lay (Điện Biên), cho biết việc dạy nghề cho học sinh hiện chỉ là “thầy đọc trò chép”, dạy và học không bám vào thực tiễn, nên cần tăng chất lượng dạy nghề, giáo dục định hướng…

Trước các thắc mắc, câu hỏi của TN, ông Nguyễn Thế Phương, thứ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư, cho rằng khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo đang được xúc tiến mạnh mẽ để đưa vào hiện thực. Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hay nghị quyết của Chính phủ cũng đã quan tâm đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ cho khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo.

Để giúp TN kỹ năng, kinh nghiệm, vốn thì Chính phủ cũng đã có định hướng trong việc thúc đẩy thành lập các mạng lưới cố vấn, tư vấn, cung cấp các dịch vụ về quản trị cho doanh nghiệp. Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng phải xây dựng mạng lưới để tư vấn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ KH&&ĐT cũng đang có dự thảo về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua hệ thống mạng lưới tư vấn này. Các tổ chức tư vấn sẽ được công bố công khai trên các trang thông tin của Chính phủ, Bộ KH&ĐT.

Giảm lý thuyết, tăng thực hành

Có quá nhiều cánh tay giơ lên đặt câu hỏi, vì thế những người chủ trì giải đáp một mạch không nghỉ giải lao. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng TN bây giờ phải có việc làm, có thu nhập chính đáng, phải được vui chơi và phát triển. Tổng thể thì TN phải học tập, rèn đức luyện tài, lập thân kiến quốc.

“Tâm lý chung của giới trẻ là học ĐH, cái đó chính đáng, cần khuyến khích, nhưng phải căn cứ xem mình có năng lực không, điều kiện kinh tế có cho phép không?”

Bộ trưởng nêu và ông tự giải thích: “tôi được biết, và điều này báo Tuổi Trẻ cũng từng viết ở TP.HCM có nhiều em đỗ ĐH, nhưng các em lại xuống học nghề du lịch, nấu ăn. Khi đó gia đình phản đối, nhưng nay ủng hộ vì các bạn đó chọn nghề đúng, nên học nghề có đam mê, đạt thành tích, thành công trong lĩnh vực. Học ĐH là chính đáng nhưng không phải là con đường duy nhất lập thân lập nghiệp. Tôi mong cán bộ đoàn tuyên truyền cho học sinh là học tập suốt đời, nhưng phải chú trọng khâu chọn nghề, vì nghề theo mình cả đời”.

Bộ trưởng Dung cho biết bộ này xác định 2018 sẽ là đột phá của ngành lao động trong giáo dục nghề nghiệp. Bộ đang lấy ý kiến về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục với 10 giải pháp lớn.

Các giải pháp sẽ tập trung để thu hút đông học sinh vào các trường nghề chứ không chỉ con số 2 triệu học viên/năm như hiện nay. “Học nghề thì ra trường phải có việc làm, có thu nhập, và học nghề được liên thông lên bậc cao hơn”-ông Dũng nói.

Bộ trưởng Dung nhấn mạnh: làm sao để xã hội coi giáo dục nghề nghiệp là rất bình thường, chứ như bây giờ, có chuyện một Công ty Nhật vào tuyển người ở Quảng Ngãi. Hơn 200 người thi tuyển, trong đó có nhiều người có bằng ĐH, thậm chí có cả thạc sĩ, tiến sĩ. Họ tuyển lấy được 50 người thì có đến 49 người học ở trường nghề Dung Quất, bởi các bạn này đáp ứng được yêu cầu về nghề nghiệp của Nhật Bản.

Từ câu chuyện này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong giáo dục nghề nghiệp thời gian tới, “bộ trưởng Bộ LĐTB&XH sẽ chỉ đạo để giảm lý thuyết, tăng thực hành. Học viên có ý định ra trường làm ở đâu thì trường giới thiệu về doanh nghiệp đó thực hành thực tập. Sẽ tiến hành giao cho nhà trường được tự chủ trong thuê hiệu trưởng, tự chủ về taì chính. Nhà trường cũng được quyết về chương trình. Giáo viên trường nghề sẽ được đưa ra nước ngoài để đào tạo. Có như vậy mới có những công nhân có trình độ chuyên môn tốt, tay nghề giỏi”.

Các đại biểu dự đại hội đoàn toàn quốc lần thứ XI đưa ra những ý kiến tại diễn đàn “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” diễn ra chiều 10-12 tại Bộ Quốc phòng 

Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Tại diễn đàn “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” giữa lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công An, Ban bí thư Trung ương Đoàn với đại biểu dự đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI diễn ra chiều 10-12 tại Bộ Quốc phòng. Bí thư đoàn Học viện An ninh nhân dân Dương Xuân Khiêm đã đưa ra vai trò của thanh niên Công an nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn, phản bác các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, để tiếp tục phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bí thư đoàn Học viện An ninh nhân dân cũng kiến nghị Trung ương Đoàn cần nghiên cứu xây dựng một đề án về “Nâng cao bản lĩnh chính trị cho thanh niên Việt Nam giai đoạn 2017 – 2022” nhằm giúp đoàn viên có bản lĩnh trong cuộc sống, những vấn đề xã hội, những luận điệu sai trái thù địch.

Đề xuất với lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cần phải có biện pháp để kiểm soát chặt chẽ các mạng xã hội khi đưa các thông tin xấu của các thế lực thù địch và tiến tới đề xuất yêu cầu các mạng xã hội đặt máy chủ tại Việt Nam.

Cần nghiên cứu có chính sách khuyến khích, động viên tinh thần đối với thanh niên Công an, Quân đội đang trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn thông tin, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch…

Phát biểu tại diễn đàn, Thượng tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đánh giá cao các tham luận, ý kiến của các đại biểu thiết thực, sâu sắc, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với chủ đề “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.

Thông qua những trao đổi chúng ta thấy rõ hơn những thực trạng, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, thấy rõ hơn vai trò xung kích của tuổi trẻ cả nước trong đó có tuổi trẻ quân đội, tuổi trẻ công an làm nòng cốt trong bảo vệ tổ quốc.

Tại diễn đàn đã có nhiều ý kiến, hiến kế đề xuất những giải pháp nhằm tiếp tục phát huy vai trò của thanh niên, của tổ chức đoàn các cấp với nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc thời gian tới.

Thay mặt lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Trung ương Đoàn, Thượng tướng Lương Cường đã tiếp thu các ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu để tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp, có những chính sách phù hợp để phát huy tốt nhất vai trò của tổ chức Đoàn và tuổi trẻ cả nước trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới.

Theo Tuổi trẻ online

Share

Trả lời