Chặng đường vượt lên trên cái chết
Sinh năm 1990, Trần Nghĩa, chàng trai đến từ Bắc Giang, gây ấn tượng với người đối diện bằng phong thái điềm đạm, chín chắn.
Dù mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản được khoảng 3 năm nhưng Nghĩa đã trở thành đồng sáng lập một công ty trong ngành này, sau đó tự tách ra mở một công ty khác của riêng mình. Nếu chỉ nhìn vào thành công ngày hôm nay thì ít ai có thể tưởng tượng, chặng đường mà Nghĩa đi qua là một hành trình dài của sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ.
Quay trở lại thời điểm năm 2008, Nghĩa chính thức trở thành tân sinh viên ngành Máy Tàu Biển – Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam. Tuy nhiên vào năm thứ 3, chàng trai 9x cảm thấy có một khoảng thời gian chân hay bị chuột rút cứng đờ, người mệt mỏi; đi khám thì bác sĩ kết luận Nghĩa đã bị suy thận giai đoạn 4. Lúc này chỉ có 2 phương án được đưa ra: hoặc chạy thận cả đời, hoặc ghép thận nhưng chi phí lên tới 300-400 triệu, chưa kể tiền thuốc chống đào thải mỗi tháng.
Với một gia đình thuần nông thì ghép thận là phương án bất khả thi, Nghĩa chỉ có thể trông cậy vào chu kỳ lọc thận 3 lần/tuần để duy trì sự sống. Việc học cũng phải tạm dừng tại đây.
“Cuộc sống của mình gần như gắn liền với bệnh viện. Dù ngày mưa bão hay nắng gắt, dù là ngày thường hay lễ Tết cứ đều đặn 1 tuần 3 lần mình vẫn phải đến bệnh viện. Nhiều khi thấy buồn và tủi thân khủng khiếp vì ngày Tết người người vui tươi, nhà nhà quây quần bên nhau còn bản thân thì vẫn cứ phải gắn liền với hai từ bệnh viện”, Nghĩa bồi hồi nhớ lại.
Khoảng thời gian 2 năm chạy thận là khoảng thời gian khó khăn và thách thức, nhưng đây cũng là giai đoạn cho Nghĩa nhiều trải nghiệm quý giá, giúp Nghĩa xây dựng những viên gạch đầu tiên trên con đường sự nghiệp sau này.
Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, Nghĩa nghĩ đến việc phải làm một cái gì đó. Giai đoạn tháng 3, mùa hoa vải nở rộ, trùng vào mùa khai thác mật ong của quê hương Bắc Giang. Với lợi thế lấy được giá gốc và sản phẩm chất lượng, Nghĩa quyết định nhập 500 lít mật ong, sau đó tự thiết kế nhãn mác, mua chai về đóng rồi đem lên thành phố bán.
Do chưa có kinh nghiệm kinh doanh, chưa lường trước được rủi ro thị trường nên thương vụ kinh doanh đầu tiên không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn giúp Nghĩa tự mua được chiếc xe máy đầu tiên của mình, và quan trọng là cho Nghĩa cảm nhận được “cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn rất nhiều, không còn cảm giác vô dụng nữa”.
Sau này, Nghĩa còn mở rộng sang nhiều hoạt động kinh doanh khác như mở quán trà chanh, bán buôn mỳ chũ, làm áo đồng phục, in ảnh lên áo, cốc… Tuy không mang lại nhiều thu nhập nhưng những công việc trên đã cho Nghĩa một thứ còn quý giá hơn tiền bạc: ý chí mạnh mẽ để vượt qua vất vả trong cuộc sống mưu sinh, tiếp tục chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Tái sinh lần hai, bắt đầu cuộc đời mới
Tưởng rằng Nghĩa sẽ mãi sống chung với căn bệnh suy thận, với hành trình lọc máu 3 lần/tuần thì điều kỳ diệu đã đến. Bảo hiểm đồng ý chi trả cho cuộc ghép thận và quả thận được lấy từ chính mẹ đẻ của Nghĩa.
“Đây là cột mốc quan trọng nhất với mình. Mỗi con người sinh ra chỉ có một cuộc đời, mình đã sống một cuộc đời rồi, nhưng lại được tái sinh lần nữa nên mình càng thấy trân trọng cuộc sống hơn, phải sống sao cho ý nghĩa nhất”.
“Mình biết ơn mẹ rất nhiều và tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa để báo đáp công ơn và tình cảm mẹ đã dành cho mình”.
Sau hơn 4 tháng phẫu thuật, Nghĩa quyết định lên Hà Nội lập nghiệp với hành trang là 2 triệu đồng tiền mặt gia đình cho và 100 kg mì gạo Chũ. Trong thời gian này, Nghĩa cũng tự tìm hiểu, tham gia thêm các khóa học kinh doanh, phát triển bản thân để lấy kiến thức và mở rộng mối quan hệ.
Một lần tình cờ, Nghĩa làm quen với một người bạn cá tính đến từ Sài Gòn, người đã tạo “cơ duyên” để chàng trai Bắc Giang chính thức bước chân vào ngành bất động sản.
“Cô bạn ấy khuyên mình thế này: ‘Nếu bây giờ cậu bắt đầu khởi nghiệp, cậu hãy lựa chọn một trong 3 nghề: kinh doanh qua mạng, bảo hiểm, hoặc bất động sản. Đây là ba nghề nhiều khó khăn và thách thức nhất nhưng cũng không thiếu những cơ hội. Nó đòi hỏi cậu phải nỗ lực, học hỏi và hoàn thiện bản thân từng ngày thì mới có thể chinh phục được. Nếu cậu thành công một trong ba ngành này thì ra ngoài xã hội cậu làm việc gì cũng thấy đơn giản và nhẹ nhàng hơn rất nhiều’.”
Và Nghĩa chọn ngành bất động sản. Sau 7 ngày làm việc trong một công ty nhỏ ở vị trí môi giới, Nghĩa bán được căn đầu tiên cho một người chị cùng khóa học. Thành tựu này giúp Nghĩa trở thành người đứng đầu một nhóm kinh doanh gồm 3 thành viên.
Tuy nhiên mọi chuyện không bao giờ dễ dàng. Ba tháng tiếp theo, Nghĩa bán được thêm 3 căn nữa nhưng chỉ mang tính “ngoại giao” vì không thu được khoản tiền nào, trong khi chi phí điện thoại, cà phê, marketing, truyền thông…vẫn phải bỏ ra. Nhóm của Nghĩa chính thức tan rã, mỗi thành viên được phần vào các nhóm khác để tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, phát triển bản thân.
Ở nhóm mới, Nghĩa may mắn gặp được một người anh đi trước, người đã nhiệt tình hướng dẫn từ cách tư vấn, tiếp khách, chốt khách đến chạy marketing… Nghĩa chính thức bán được 1 căn, 3 căn rồi 5 căn/tháng, thu nhập và kiến thức cũng dần tăng lên. Kết thúc năm 2015, Nghĩa hoàn thiện 17 giao dịch trong 8 tháng làm việc tại môi trường bất động sản, một con số bản thân Nghĩa tự nhận là “khiêm tốn” nhưng tạo bước đệm để tục vươn tới những mục tiêu lớn hơn.
Sang đến năm 2016, chàng trai 9x cùng hai người anh nữa tách ra mở công ty bất động sản riêng. Về sau, do định hướng phân khúc kinh doanh khác nhau nên Nghĩa tiếp tục tách ra, thành lập công ty riêng, chuyên tập trung vào mảng bất động sản nghỉ dưỡng.
Xác định trên thị trường các đại lý hiện nay chú trọng quá nhiều vào mặt doanh số chứ không phải dịch vụ cho khách hàng, Nghĩa quyết tâm xây dựng quy trình chuyên nghiệp, hỗ trợ khách từ khâu đặt cọc đến ký kết hợp đồng, hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Với tiêu chí “làm đúng chắc chắn sẽ nhanh còn làm nhanh chưa chắc đã đúng”, trong năm 2017, Nghĩa không đặt mục tiêu mở rộng quy mô mà sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ máy, tìm kiếm nhân sự để cùng xây dựng công ty.
Nhìn lại chặng đường 3 năm lăn lộn trong ngành, từ vị trí nhân viên tư vấn cho đến CEO như hôm nay, Trần Nghĩa cho biết nghề sales bất động sản “nói dễ thì rất dễ, nói khó cực khó”, vì phải hoàn thiện nhiều khía cạnh, từ kỹ năng, kiến thức đến khả năng nắm bắt tâm lý khách hàng. Dân sales phải trả chi phí ban đầu lớn nhưng nếu không bán được hàng là nợ: có những người mất 1-3 tháng, thậm chí cả năm để bán được sản phẩm đầu tiên.
“Nếu 100 bạn ngoài kia thì chỉ có 50 người trụ lại với nghề. Trong 50 người đó cũng chỉ có khoảng 8-10 người thành công nên nghề sales cần sự quyết tâm rất lớn”.
Trước khi vào nghề, Nghĩa khuyên mỗi người môi giới hãy chuẩn bị tâm thế thật tốt, lường trước những khó khăn, thử thách để luôn trong tư thế sẵn sàng đối mặt với chúng. Ngoài ra khi tài chính chưa đủ mạnh hãy tận dụng tốt các mối quan hệ có sẵn, luôn liên tục học hỏi, để tăng thêm kĩ năng và kiến thức trong quá trình tư vấn.
Khi được hỏi liệu có phải đạt được thành công ngày hôm nay do hoàn cảnh cá nhân, dễ nhận được sự đồng cảm từ phía khách hàng? Nghĩa chia sẻ: “Quan điểm của tôi là kinh doanh không có chỗ cho tình thương. Khi tư vấn cho khách hàng, điều quan trọng nhất tôi tập trung là sản phẩm và chất lượng sản phẩm. Tôi tự tin rằng tất cả những khách hàng mua của tôi vì tin tưởng khả năng và kiến thức cũng như những cơ hội tốt mà tôi mang lại chứ không phải do bất cứ yếu tố nào khác”.
Theo Tuổi trẻ