Ba từ khóa tạo đột phá của giáo dục nghề nghiệp

Ba từ khóa tạo đột phá của giáo dục nghề nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ĐBQH LÊ QUÂN, tự chủ, doanh nghiệp, chuẩn hóa là ba từ khóa, cũng là ba khâu tạo đột phá của giáo dục nghề nghiệp. Ngoài tự đánh giá chất lượng theo chuẩn của Việt Nam, tự phát triển các tiêu chuẩn riêng, Bộ cũng khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng các chuẩn quốc tế. “Trong nền kinh tế mở như hiện nay, không thể tự đưa ra chuẩn của riêng mình để “đẽo chân cho vừa giày”, mà phải dựa trên chuẩn quốc tế để đánh giá và cố gắng nâng cao chất lượng”.

Chú trọng chuyển biến về chất lượng

– Chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng cùng với gắn kết doanh nghiệp và tự chủ được coi là những khâu đột phá trong giáo dục nghề nghiệp. Xin ông cho biết, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành những văn bản nào để thực hiện các vấn đề trên?

– Chuẩn hóa được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rất quan tâm. Nghị định 49/2018/NĐ-CP về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp ban hành ngày 30.3.2018 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để đẩy mạnh công tác chuẩn hóa. Bộ cũng đã ban hành Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH về bảo đảm chất lượng từ tháng 12.2017. Như vậy đã hình thành rõ hệ thống bảo đảm chất lượng, bao gồm bảo đảm trong do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chủ động thực hiện theo điều kiện, tầm nhìn, sứ mạng của mình và hệ thống bảo đảm chất lượng ngoài do xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện như kiểm định chất lượng, thanh tra, kiểm tra…  với nguyên tắc chất lượng hoạt động của cơ sở GDNN phải được đánh giá đúng, công khai cho xã hội biết để giám sát.

Chúng tôi xác định, chất lượng và kiểm định chất lượng GDNN phải được tiến hành bài bản, không chạy theo số lượng mà chú trọng chuyển biến về chất lượng. Năm 2018, Bộ chỉ đạo các trường tập trung xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN, tổ chức tập huấn đào tạo nhân lực bảo đảm chất lượng cho các trường. Chỉ khi nào văn hóa chất lượng đi vào thực tế của cơ sở GDNN, khi đó công tác kiểm định chất lượng mới thực chất.

– Hiện vẫn có tới 50% các trường trung cấp, cao đẳng, thậm chí có đến 95% trung tâm GDNN chưa triển khai tự đánh giá chất lượng theo quy định. Theo ông, vì sao có tình trạng này?

– Tự đánh giá chất lượng là hoạt động cần thiết của một cơ sở đào tạo với mục đích tự đánh giá mình, tự xác định được mặt mạnh, mặt yếu của mình và tự lên kế hoạch cải thiện các điểm tồn tại. Chính vì vậy, theo quy định các cơ sở GDNN phải thực hiện tự đánh giá chất lượng hàng năm. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều cơ sở chưa thực hiện do một số nguyên nhân, trong đó nổi bật là nhận thức về vấn đề này chưa cao, nguồn lực hạn hẹp và quan trọng hơn là hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được xây dựng và vận hành một cách bài bản, khoa học.

– Theo kế hoạch, đến hết 2019 phấn đấu 100% trường cao đẳng và trung cấp triển khai công tác tự đánh giá chất lượng, 88 trường thuộc nhóm đầu tư chất lượng cao sẽ hoàn thành kiểm định chất lượng, 100% ngành nghề trọng điểm được ngân sách đầu tư cũng hoàn thành công tác tự đánh giá để phục vụ kiểm định chất lượng. Để đạt mục tiêu này cũng như nâng cao chất lượng kiểm định và chất lượng GDNN, Bộ đã tổ chức triển khai như thế nào, thưa ông?

Sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp

05 ba tu 48912112018

– Thứ nhất, hoàn thiện hành lang pháp lý; luôn rà soát, đánh giá và tiếp thu kinh nghiệm phù hợp của các nước có GDNN phát triểnThứ hai, chuẩn bị về nhân lực. Cùng với sự hỗ trợ của Đức, Anh, Australia, Canada, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, đội ngũ chuyên gia bảo đảm và kiểm định chất lượng GDNN đã được chuẩn bị đầy đủ.

Thứ ba, chuẩn bị về nguồn lực tài chính. Một phần ngân sách đã được bố trí để hỗ trợ các trường đẩy nhanh tiến độ chuẩn hóa. Dự án cơ sở dữ liệu bảo đảm chất lượng trực tuyến đang được triển khai với cả 2 cấp độ cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu bảo đảm chất lượng của cơ sở với khả năng kết nối được với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thứ tư, phát triển các tổ chức kiểm định chất lượng độc lập. Chính phủ khuyến khích tất cả tổ chức tham gia vào hoạt động này, nhưng phải bảo đảm các yêu cầu đã được quy định, hướng tới một hệ thống kiểm định chuyên nghiệp, có giá trị đối với xã hội và cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian tới, sẽ đặc biệt chú ý đến cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm chất lượng kiểm định.

Thứ năm, phân loại các cơ sở GDNN để phân kỳ trong triển khai. Trong đó, chú trọng ưu tiên kiểm định quốc tế để vươn cao.

– Ông nghĩ sao về việc cần đưa thêm nhà tuyển dụng tham gia công tác kiểm định chất lượng các cơ sở GDNN?

– Quốc tế và doanh nghiệp là hai từ khóa để giúp chuẩn hóa giáo dục nghề nghiệp. Nhà trường đào tạo cái doanh nghiệp cần. Doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường. Do đó, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong các hội đồng tự đánh giá chất lượng, lấy ý kiến phản hồi về chất lượng, chương trình đào tạo…

Tại Nghị định 49 về Kiểm định chất lượng, Chính phủ đã cho phép kiểm định viên không chỉ là người hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực GDNN như nhà giáo, nhà quản lý và nhà nghiên cứu, mà còn là những người hoạt động trong sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Điều này mở ra hướng đánh giá chất lượng đào tạo, đặc biệt là kiểm định chương trình đào tạo được thực hiện với việc tham gia sâu rộng hơn của doanh nghiệp, từ đó cho kết quả kiểm định ý nghĩa hơn không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước mà còn với doanh nghiệp khi kết hợp hoặc nhận học sinh ra trường của cơ sở đào tạo.

– Xin cảm ơn Thứ trưởng!

“Năm 2018 đánh dấu nhiều kết quả rất khích lệ trong kiểm định chất lượng GDNN. Cụ thể, 40 trường đã đạt chuẩn của Australia để triển khai đào tạo 12 nghề trọng điểm; 6 trường tổ chức đào tạo nghề theo chuẩn của Pháp, 21 trường đã được Anh hỗ trợ xây dựng thành công hệ thống bảo đảm chất lượng theo chuẩn Anh; 6 trường đã được khảo sát và kiểm định đạt chuẩn của Anh, 3 trường được đánh giá theo tiêu chuẩn của bang Sachen (Đức)… Đặc biệt, Trường Cao đẳng Cao Thắng đã nhận 2 chứng chỉ kiểm định quốc tế ABET của Mỹ, là trường cao đẳng thứ 2 của châu Á được nhận chứng chỉ này, và là trường thứ hai ở Việt Nam (sau Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) đạt 2 chứng chỉ.

Theo Gdnn.gov.vn

Share

Trả lời