Lê Yên Thanh quyết định từ bỏ cơ hội trở thành nhân viên của Google để tham gia một dự án khởi nghiệp mới trong nước.
Hiện tại, “chàng trai vàng” của Tin học Việt Nam đang tự tin tiến bước trên con đường riêng nhằm phát triển đam mê cũng như tích lũy đầy đủ kỹ năng cần thiết cho tương lai.
Quay ngược về thời điểm tháng 6/2016 khi còn là sinh viên năm cuối khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM, Thanh nhận được suất thực tập ngay tại thung lũng Silicon, nơi tập trung hàng nghìn doanh nghiệp công nghệ danh tiếng thế giới.
Khoảng thời gian 3 tháng tham gia học tập, làm việc trong dự án quản lý bảo mật của tập đoàn Google đã mang lại cho chàng trai quê An Giang một nền tảng khá đầy đủ về nhiều mặt.
Thanh chia sẻ: “Kỳ thực tập tại Google đã giúp tôi có cơ hội khám phá văn hóa, con người nước Mỹ, văn hóa làm việc tại môi trường làm việc tốt nhất thế giới, đồng thời có dịp gặp gỡ, giao lưu với nhiều anh em, bạn bè đang làm việc tại xứ sở cờ hoa”.
Cạnh đó, Thanh cũng đã nhanh chóng trang bị cho mình một bề dày kinh nghiệm cùng những kỹ năng thiết yếu.
Nhưng chàng trai này quyết định từ chối cơ hội vàng đó, bởi lúc này Thanh đang đặt ra cho mình 3 con đường: Đi làm thêm ở công ty lớn, đi làm tiếp hoặc khởi nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc Thanh “gạt bỏ” mức lương không dưới 6.000USD (hơn 130 triệu đồng) mỗi tháng từ Google.Sau quãng thời gian quý báu này, Lê Yên Thanh nhận được cơ hội tốt là sẽ vào làm việc tại trụ sở Google ở Singapore khi vượt qua các vòng phỏng vấn, kiểm tra kỹ lưỡng từ các chuyên gia của tập đoàn.
Với Thanh, mong muốn lớn nhất chính là tiếp tục lăn xả với nhiều môi trường khác nhau, nhiều công việc để không ngừng trau dồi kiến thức lẫn kỹ năng, dù thu nhập những nơi này chỉ bằng 1/10 so với khi làm cho Google.
Sau đó, Thanh chọn tham gia và gắn bó cùng dự án khởi nghiệp công nghệ có tên “Umbala – camera star” như một bước ngoặt trên hành trình gây dựng sự nghiệp của mình.
Ứng dụng di động Umbala (đọc theo tiếng Việt là Úm-ba-la) là một sản phẩm giải trí mới nổi dành cho giới trẻ, như một công cụ để mọi người thể hiện tài năng của mình trước đông đảo cư dân mạng và dễ dàng tương tác với nhau trên hệ thống.
Trở thành cộng sự với đội ngũ toàn những người trẻ năng động, giỏi giang bên trong Umbala càng giúp Yên Thanh củng cố niềm tin về mục tiêu đưa ứng dụng giải trí này trở thành phương tiện tối ưu cho người dùng, giúp người dùng kiếm được tiền từ đây thông qua những món quà nhận từ khán giả của mình.
Nắm bắt công nghệ mới để đứng vững trong thời đại 4.0
Từng tham gia vào các dự án khởi nghiệp lớn ngay khi còn ngồi ghế giảng đường cùng quá trình làm việc tại nhiều doanh nghiệp “cỡ bự”, Lê Yên Thanh vẫn luôn khát khao chinh phục những tri thức, kinh nghiệm mới. Với vốn kinh nghiệm của mình, Thanh cho rằng người trẻ cần rèn luyện đức tính chịu khó, kiên trì khi khởi nghiệp.
Đó là tinh thần làm việc hăng say trong cả những dịp lễ Tết, khả năng chịu được áp lực, làm việc với tốc độ nhanh và không ngừng sáng tạo để có thể cạnh tranh với người khác…
Ngoài ra, bạn trẻ còn phải nắm bắt kịp thời các công nghệ mới (bitcoin, blockchain, IoT…) để chiếm lĩnh và đứng vững trong thời đại công nghiệp 4.0.
Cũng theo Yên Thanh, để đảm bảo khởi nghiệp thành công, bên cạnh chuyện nghiên cứu, cung ứng những sản phẩm phù hợp người dùng, chúng ta còn phải linh hoạt, tỉnh táo để kêu gọi được nguồn đầu tư cho dự án của mình.
Lê Yên Thanh được biết đến là “chàng trai vàng” của Tin học nước ta bởi cậu sở hữu nhiều danh hiệu “khủng” nhờ các sáng chế, ứng dụng hiệu quả đối với cộng đồng xã hội.
Đó là các danh hiệu: Gương mặt trẻ tiêu biểu Việt Nam, Nhân tài Đất Việt, Quả cầu Vàng… cùng hàng trăm giải thưởng tin học quý giá cả trong nước lẫn quốc tế.
Theo Tiền Phong