Trước tranh cãi sinh viên mới ra trường nên chạy Grab lương 15 triệu đồng hay làm đúng ngành, mức lương khởi điểm 5 triệu đồng, chuyên gia cho rằng, không cẩn trọng các em sẽ rơi vào “bẫy” thu nhập.
Cẩn trọng với “bẫy” thu nhập
Chia sẻ tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Hà Nội tổ chức ngày 15/12, ông Nguyễn Bảo Long, Trưởng phòng Phát triển Cộng đồng và Quan hệ đối tác, Công ty TopCV Việt Nam cho rằng, thông thường sinh viên mới ra trường chọn việc làm thường nghĩ ngay các yếu tố như lương, danh tiếng công ty, cơ hội thăng tiến, chẳng hạn ngắm nghía xem làm khoảng bao nhiêu năm thì lên sếp?
Nhưng theo chuyên gia này, nếu không cẩn thận, các em sẽ rơi vào “bẫy” thu nhập.
Lý giải về điều này, ông Long đưa ra câu chuyện tranh cãi trên Tiktok mới đây về việc sinh viên mới ra trường nên đi làm xe ôm công nghệ với mức lương 15 triệu đồng hay chọn làm đúng ngành nghề với lương khởi điểm chỉ 5 triệu đồng?
Theo ông Long, khi đi làm chúng ta có những giá trị ngầm, không lượng hóa như lương, chẳng hạn là sở thích, cá tính, giá trị nghề nghiệp …
“Tất nhiên các bạn có thể chọn làm Grab để nhận tiền tươi thóc thật nhưng bạn sẽ rơi vào “bẫy” thu nhập bởi công việc ấy không có sự phát triển, bạn sẽ tụt lại mất vài ba năm và thua rất nhiều.
Đấy là ví dụ thực tế về việc sinh viên mới ra trường chọn “ăn xổi” khi chỉ nhìn thấy thứ trước mắt là lương bởi nếu đi từ gốc, giá trị nghề nghiệp của họ tăng lên rất nhiều”, ông Long nói.
Chia sẻ thêm về kỹ năng tìm kiếm việc làm, ông Long cho rằng, nếu coi các ngành ngôn ngữ chỉ là công cụ, vậy sinh viên ra trường kiếm việc kiểu gì?
Đến với ngày hội việc làm năm nay, hơn 30 doanh nghiệp từ nhiều tỉnh thành ở đa dạng các lĩnh vực đã đăng ký tham gia.
Sự kiện thu hút hơn 3.000 sinh viên đến tham dự với mong muốn tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân.
Để hiểu rõ hơn, chuyên gia này kể câu chuyện của vợ mình, tốt nghiệp một ngành học về ngoại ngữ, cô loay hoay làm rất nhiều thứ.
Thế nhưng sau đó, vợ ông dừng lại ở việc đi dạy, trong đó có dạy IELTS, đây thực sự là công việc phù hợp với cô ấy.
Từ câu chuyện này, ông Long cho rằng, lâu nay chúng ta đang quan niệm sai lầm khi nghĩ rằng ngôn ngữ chỉ là công cụ nên khó kiếm việc làm. Bên cạnh khả năng ngoại ngữ, nếu các em có chứng chỉ khác, việc phát triển ngành nghề rất tốt.
Các em hãy xác định việc học cả đời, không phải lấy tấm bằng cử nhân xong sẽ đi luôn. Việc học trong quá trình đi làm hiện rất nhiều người lựa chọn, nhất là học online để bổ sung chứng chỉ.
Cần điểm trung bình chung cao hay kinh nghiệm thực chiến
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, nhà trường luôn trân quý mối quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp.
Từ mối quan hệ này, nhà trường có thể tạo kênh cho đầu ra, tạo triển vọng, cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên, qua đó tiếp nhận ý kiến góp ý, phản hồi của doanh nghiệp, cải thiện chương trình đào tạo và các dịch vụ hỗ trợ giúp sinh viên hòa nhập, tiếp cận, thích nghi nhanh nhất đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
“Tại chương trình này, nhà trường mong muốn doanh nghiệp sẽ mang đến cho sinh viên những thông tin bổ ích, thực tế, để giúp sinh viên có sự chuẩn bị tốt nhất cho hành trang, cho những tháng ngày tới đây khi tốt nghiệp”, ông Dũng nói.
Tại buổi chia sẻ với các chuyên gia, Giang- một sinh viên năm cuối có điểm trung bình chung rất cao, có học bổng nhưng em rất mông lung chưa biết tìm kiếm công việc phù hợp như thế nào?
Trong khi đó một sinh viên khác thắc mắc, điểm trung bình chung của em thấp, lại không có kinh nghiệm. Vậy em làm gì để ấn tượng với nhà tuyển dụng?
Chuyên gia của một doanh nghiệp cho rằng, trước hết các em cần xác định công việc mình mong muốn là gì. Có những công việc cần điểm chuyên môn rất cao nhưng có những công việc không cần thiết điều đó và chỉ cần kinh nghiệm thực chiến.
Trường hợp cả điểm trung bình chung thấp và không có kinh nghiệm, các em phải đi đường tắt, đó là có thêm các chứng chỉ để bồi đắp vào điểm mạnh.
“Các em cần hiểu bản thân để tối ưu hóa điểm mạnh bằng cách bổ sung các khóa học bổ trợ”, chuyên gia này nói.
Trước tình hình cung nhân sự đang nhiều hơn cầu, ông Nguyễn Bảo Long cho rằng, năm 2024 tình hình vẫn rất khó khăn khi các em muốn tìm kiếm việc làm.
Mặc dù vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp muốn tìm kiếm nhân sự nhưng mãi không kiếm được người có năng lực. Do đó về đường dài, chuyên gia này cho rằng, ngoài kiến thức chuyên môn, các em có thể bổ sung thêm nhiều kỹ năng để nâng cao năng lực.
“Ngoại ngữ có lợi thế rất tốt với sinh viên, tuy nhiên các em nên chọn các ngôn ngữ phù hợp với thị trường, trong đó tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung có cơ hội rất tốt ở Việt Nam hiện nay”, ông Long nói.
Đặc biệt, một số ngành nghề liên quan đến giảng dạy ngôn ngữ, các chuyên ngành liên quan đến sales, marketing, logistics có mức lương đang rất cao.