Hai hệ thống học nghề, một của Hàn Quốc, một của Thụy Sĩ, là hai ví dụ có thể coi là điển hình về việc sự xem thường hay coi trọng học nghề có thể tạo ra những xã hội khác nhau tới mức nào.
Hàn Quốc từng có một hệ thống đào tạo nghề mạnh mẽ, tới mức góp công lớn giúp nước này tái thiết nền kinh tế sau chiến tranh. Nhưng tình hình đã thay đổi. Người Hàn đang kêu gọi phải học tập người Đức để trở lại với truyền thống dạy nghề ngày xưa.
Nhu cầu cao và nhu cầu thấp
Sau chiến tranh Triều Tiên, nền kinh tế của bán đảo Triều Tiên bị hủy hoại gần như hoàn toàn. Để đạt được sự tăng trưởng thần kỳ về kinh tế trong một thời gian ngắn như vậy, Hàn Quốc đã phải cải cách toàn diện hệ thống giáo dục, đặc biệt tập trung vào dạy nghề và các trường cao đẳng.
Những năm 1970 và 1980, dạy nghề ở Hàn Quốc không chỉ phổ biến trong toàn xã hội, đó còn là con đường chính yếu để có một việc làm ổn định với thu nhập tốt. 45% sinh viên đăng ký vào các chương trình cao đẳng và dạy nghề, so với chỉ 11,4% vào các trường đại học.
Cũng đáng nhắc rằng giai đoạn đó, nền kinh tế Hàn Quốc tương đương nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Nhưng ngày nay, ở Hàn Quốc, nhìn nhận về dạy nghề đã thay đổi, bị xem thường hơn so với trong quá khứ. Năm 2013, chỉ 18% các sinh viên đăng ký vào trường cao đẳng và trường nghề.
Một phần là uy tín của việc học đại học: nhiều gia đình trung lưu và giàu có hơn có thể chi trả cho việc luyện thi lẫn việc học đại học.
Sinh viên cao đẳng và học nghề bị coi là “hạng hai” trong giáo dục bậc cao, và đường vào làm việc ở những tập đoàn hàng đầu như Samsung gần như luôn bắt buộc phải kèm theo một tấm bằng đại học uy tín.
Tuy nhiên, bất chấp tình trạng nhiều người trẻ học cao và có bằng đại học hơn, tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên của Hàn Quốc đạt đỉnh trong 15 năm vào năm 2015, khi 11% những người từ 15-29 tuổi không có việc làm, mức cao nhất từ năm 1999.
Thực tế còn có thể tồi tệ hơn: số liệu từ Diễn đàn Đông Á cho biết có thể tới một nửa trong số thanh niên này không có việc làm, nhiều người đã thôi tìm việc và do đó không nằm trong thống kê chính thức.
Cơ quan dịch vụ thông tin việc làm nhà nước của Hàn Quốc đã nghiên cứu về vấn nạn này, kết luận rằng tình trạng thất nghiệp là bởi “sự chênh lệch kỹ năng”, tức những gì sinh viên học, những bằng cấp mà họ, và các bậc phụ huynh, mong muốn, không phải là những gì thị trường lao động mong đợi.
Vì thế, chính quyền Hàn Quốc đang nỗ lực thiết lập lại các chương trình cao đẳng và dạy nghề để trả lại uy tín và sự hữu dụng cho những lớp học này.
Sau 9 năm giáo dục phổ thông bắt buộc, học sinh nào ở Hàn Quốc muốn học cao đẳng hay học nghề có hai lựa chọn: học trường cấp III đào tạo nghề hoặc trường cấp III chuyên biệt Meister.
Trường cấp III chuyên biệt Meister (trong tiếng Đức nghĩa là “bậc thầy”) là một mô hình mà Hàn Quốc đã sao chép của Đức nhằm tạo ra những người thợ đặc biệt lành nghề. Học sinh phải có điểm rất cao mới vào được những trường này.
Hiện có 43 trường như thế khắp Hàn Quốc, mỗi trường tập trung vào một ngành cụ thể. Mỗi trường có các ngành đối tác và sinh viên được đảm bảo không chỉ việc làm sau khi tốt nghiệp, mà với sinh viên nam là cả việc hoãn thực thi nghĩa vụ quân sự, vốn là bắt buộc ở Hàn Quốc.
Sinh viên các trường này không phải đóng học phí, được trang bị cơ sở giáo dục hàng đầu, thậm chí cả ký túc xá miễn phí nếu được tài trợ từ các công ty thật sự cần thợ lành nghề.
Các trường Meister hoàn toàn tự do trong việc thiết kế giáo trình và nội dung giảng dạy, mức tự chủ mà ngay cả các đại học cũng không có.
Rất nhiều trường làm việc trực tiếp với những hãng xưởng và các hiệp hội ngành nghề để phát triển giáo trình tương tác dựa trên nhu cầu thực tế. Những tài liệu này sau đó được đưa vào một bộ dữ liệu giáo án toàn quốc để các trường khác có thể lựa chọn sử dụng.
Trường cấp III Meister Sudo chuyên về lĩnh vực năng lượng là một ví dụ. Tỉ lệ chọi ở trường này thường là 20/1. Họ có đối tác với 180 công ty khác nhau và mỗi sinh viên tốt nghiệp thường nhận được vài lời mời làm việc ngay lập tức.
Tuy nhiên, hiệu trưởng trường này, trong một trao đổi với Korea Heraldcuối năm 2016, cũng nói vấn đề lớn nhất với họ là sự thiếu định hướng của Bộ Giáo dục Hàn Quốc.
Lựa chọn còn lại của học trò muốn học nghề nhưng không vào được trường Meister là các trường cao đẳng nghề thông thường. Sinh viên tốt nghiệp ở đây sẽ chỉ là kỹ thuật viên và thợ bậc thấp, thay vì thợ bậc cao như ở trường Meister.
Đòi hỏi tuyển sinh ở các trường này thường thấp và nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Chất lượng cũng trồi sụt thất thường.
Vấn đề lớn nhất với các trường cao đẳng và dạy nghề bình thường là họ thiếu tương tác với những ngành nghề cụ thể.
Ở Seoul có một ủy ban gồm các giáo viên trường nghề, nhà quản lý và doanh nghiệp, được thành lập theo khuyến nghị của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, nhưng ảnh hưởng của ủy ban này rất hạn chế. Không như các trường Meister, giáo trình của các trường này phải theo chuẩn của Bộ Giáo dục, gây ra vấn đề “chênh lệch kỹ năng” như đã nói.
Hàn Quốc đang cố gắng giải quyết vấn đề này từ trên xuống. Bộ Việc làm – lao động và phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc và các hiệp hội ngành nghề đã ngồi lại với nhau soạn thảo quy chuẩn quốc gia về các kỹ năng ngành nghề nhằm thiết lập tiêu chuẩn đào tạo cho các trường cao đẳng thông thường, nhưng đây mới là những bước đi sơ khởi cần thêm rất nhiều nỗ lực.
Một cơ chế rất quan trọng nữa của các trường cao đẳng và dạy nghề là hệ thống học việc, vốn khuyến khích sự tham gia trực tiếp của người học vào công việc cụ thể, giúp thu hẹp khoảng cách về kỹ năng ngay từ khi còn chưa tốt nghiệp.
Đầu năm 2015, tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye, nay đã bị phế truất, đã tới thăm Thụy Sĩ và trong lịch làm việc của bà, nghiên cứu hệ thống học việc ở nước này là một ưu tiên hàng đầu.
Mùa hè năm đó, chính quyền Hàn Quốc cũng quy định mọi sinh viên các trường nghề và cao đẳng phải có cơ hội học việc, được gọi là chính sách “đi làm rồi mới đi học”.
Tự hào khi làm thợ
Thụy Sĩ, đất nước mà bà Park đã tới thăm và muốn mang mô hình về áp dụng ở Hàn Quốc, là nơi mà phần lớn sinh viên lựa chọn học nghề thay vì học đại học, và không ai dám nói Thụy Sĩ dân trí thấp, hay nghèo. Hệ thống học nghề ở Thụy Sĩ, thật thú vị, không có nghĩa chỉ là lao động chân tay với những việc “ăn no vác nặng”.
Lấy ví dụ, sau khi hoàn tất một khóa đào tạo nghề 3 năm ở một công ty bảo hiểm, một cậu nhóc 19 tuổi có thể đi làm ngay với mức lương khởi điểm 52.000 USD/năm, cộng thêm khoản thưởng kha khá, và nghỉ phép 4 tuần/năm.
“Tôi chưa bao giờ thích thú với việc học đại học – Jonathan Bove, một sinh viên đã đi đúng con đường đó, nói với báo Time – Dạy nghề thiết thực hơn và tôi có thể đi làm sớm hơn”.
Bove là mơ ước của nhiều bạn đồng trang lứa trên thế giới, nhưng là chuyện thường tình ở Thụy Sĩ. Khoảng 2/3 các thanh niên 15-16 tuổi ở nước này, sau 9 năm học bắt buộc, lựa chọn con đường cao đẳng nghề, một hệ thống đã tạo ra những công nhân lành nghề là xương sống cho nền kinh tế khan hiếm tài nguyên này. Đó là một hệ thống kép.
Những người như Bove vừa thực tập ở một công ty, vừa theo học bán thời gian tại một trường cao đẳng. Nhờ hệ thống này, tỉ lệ thất nghiệp trong người trẻ ở Thụy Sĩ, giữa tình cảnh châu Âu đang trì trệ về kinh tế, là không tới 3%, thấp nhất trong 30 nền kinh tế công nghiệp hóa thuộc OECD (tỉ lệ ở Mỹ là 12% và ở Liên minh châu Âu là 22%).
Khoảng 58.000 doanh nghiệp Thụy Sĩ đăng ký hợp tác với các trường cao đẳng nghề và mỗi năm nhận khoảng 80.000 thực tập sinh, con số rất lớn cho một quốc gia chỉ có 8 triệu dân tổng cộng.
Họ làm việc trong các lĩnh vực thương mại, bán lẻ, chăm sóc y tế, công nghệ, và nhiều ngành nghề khác. “Doanh nghiệp coi đào tạo người trẻ là một phần trách nhiệm xã hội của họ” – Franziska Schwarz, phó giám đốc Văn phòng liên bang về giáo dục chuyên nghiệp và công nghệ Thụy Sĩ (OPET), cơ quan giám sát các chương trình đào tạo nghề, nói.
Tổng cộng, các công ty tham gia đầu tư 5,4 tỉ USD trong những chương trình dạy nghề và cao đẳng kéo dài 3 năm để trang trải lương bổng cho thực tập sinh, trang thiết bị đào tạo, và giáo viên.
Schwarz nói con số đó thấp hơn “sản lượng” mà các thực tập sinh tạo ra cho doanh nghiệp, hiện vào khoảng 5,8 tỉ USD, tức xã hội được lợi 400 triệu USD nhờ sự cộng sinh này. Mức lương khởi điểm trung bình cho sinh viên tốt nghiệp trường nghề trong lĩnh vực thương mại ở Thụy Sĩ là 50.000 USD mỗi năm, và có thể cao hơn nữa.
Dù không ngặt nghèo bằng các kỳ thi trong trường đại học, “học nghề không phải là cho những kẻ ngốc – Stefan Wolter, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế học và giáo dục tại Đại học Bern, nói – Ở đây học nghề thu hút những sinh viên giỏi nhất, nên khi các công ty tuyển thực tập sinh, họ có những người làm chất lượng cao”.
Mô hình này của Thụy Sĩ khá giống ở Đức và đã được xuất khẩu không chỉ sang Hàn Quốc. Anh, một số bang của Mỹ và Ấn Độ cũng đã bắt đầu áp dụng hệ thống này ở nước họ.
Bất chấp những nỗ lực cả từ trên xuống của chính quyền trung ương lẫn từ dưới lên của các trường nghề, định kiến xã hội vẫn là một thách thức lớn ở Hàn Quốc.
Ngay cả với các trường Meister, chỉ hơn 15.000 học trò sau khi kết thúc 9 năm phổ thông bắt buộc (5% tổng số học sinh) đăng ký vào đây.
Và trong khi 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, không ít người đăng ký vào các trường này chỉ như một con đường vòng để vào đại học: nếu một sinh viên làm trong một ngành nào đó được 3 năm sau khi tốt nghiệp trường Meister, họ được miễn kỳ thi đại học cực kỳ gai góc của Hàn Quốc.
Những công việc làm “thợ” ở Hàn Quốc cũng bị gán cho các mác 3D: dirty (dơ bẩn), dangerous (nguy hiểm) và difficult (khó khăn), một thứ định kiến rất Á Đông mà gần như mọi xã hội chịu ảnh hưởng Khổng giáo đều ít nhiều không thoát ra được
Bất chấp những nỗ lực cả từ trên xuống của chính quyền trung ương lẫn từ dưới lên của các trường nghề, định kiến xã hội vẫn là một thách thức lớn ở Hàn Quốc.
Ngay cả với các trường Meister, chỉ hơn 15.000 học trò sau khi kết thúc 9 năm phổ thông bắt buộc (5% tổng số học sinh) đăng ký vào đây.
Và trong khi 100% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, không ít người đăng ký vào các trường này chỉ như một con đường vòng để vào đại học: nếu một sinh viên làm trong một ngành nào đó được 3 năm sau khi tốt nghiệp trường Meister, họ được miễn kỳ thi đại học cực kỳ gai góc của Hàn Quốc.
Những công việc làm “thợ” ở Hàn Quốc cũng bị gán cho các mác 3D: dirty (dơ bẩn), dangerous (nguy hiểm) và difficult (khó khăn), một thứ định kiến rất Á Đông mà gần như mọi xã hội chịu ảnh hưởng Khổng giáo đều ít nhiều không thoát ra được
Theo Tuổi trẻ