Đinh Bá Châu – “Vua đầu bếp” Việt Nam

Đinh Bá Châu – “Vua đầu bếp” Việt Nam

Ông Đinh Bá Châu là một chuyên gia, đầu bếp nổi tiếng trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam. Nghệ nhân Đinh Bá Châu thường được báo giới tôn vinh là “Vua bếp Việt Nam”, “ Đầu bếp số 1 Việt Nam ”. Ông sinh năm 1942, thuộc dòng họ Đinh Nông Kỳ – làng Đún Ngoại, xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Thời niên thiếu và tìm đường lập nghiệp của ông Đinh Bá Châu vô vàn gian nan vất vả, 7 tuổi bố mất sớm, 8 tuổi mẹ chết vì bom của giặc Pháp. Ngày ấy chiến tranh chống Pháp ác liệt, những người già, phụ nữ và trẻ nhỏ chạy giặc càn ra trú tại hàng Phơ, một ngôi nhà tranh ở giữa đồng, nghĩ rằng giặc Pháp thấy dân thường không sát hại; nhưng không ngờ máy bay giặc Pháp đã ném bom Na Ban, thiêu cháy mấy chục người, chôn chung cùng nấm mộ, ngày hôm ấy cũng là ngày Giỗ trận của làng. Sau này, ông Châu thành đạt đã về quê xây cất lăng mộ tập thể trận Hàng Phơ ( trong đó có mẹ ông ), và công đức tu tạo chùa Phúc Lâm của làng.

Nghệ nhân Đinh Bá Châu mồ côi cha mẹ, chiến tranh đói nghèo ở quê hương, ông ra đi khắp mọi nơi, xuống thị xã Thái Bình, sang TP Nam Định … rồi lên TP Hà Nội, làm đủ mọi việc, như bán lạc rang, bán bánh mì, đánh giày … để kiếm sống, tối về được những người hàng phố tốt bụng cho ngủ nhờ.

Năm 1955, khi Hà Nội vừa giải phóng, ông làm thuê cho tiệm cao lâu của ông Phúc tại số 2A Tạ Hiện, vừa phụ bếp, vừa học nghề tráng bánh phở, vừa chăm con cho ông chủ. Ông Phúc nhận thấy ông khéo léo, lại có đầu óc mẫn cảm với hương vị, với các món ăn, ông Phúc đã truyền lại kinh nghiệm nấu phở cho ông. Ông Châu cũng hết sức biết chiều lòng thực khách, nên khách tới tiệm cao lâu của ông Phúc ngày một đông. Tài nghệ nấu phở Hà Nội của ông được xếp vào những người đứng đầu. Tuy nhiên vào thời đó, nghề nấu ăn không được xã hội coi trọng nên ông quyết định đi học nhạc để được mọi người phải nể trọng. Ông học ghi ta của Tạ Tấn, nhưng không thấy phát triển, nên chuyển qua học vi o lon trong suốt 7 năm sau đó nhưng cũng không thành công.

[IMG]

Năm 1959, ông Châu học nấu ăn và làm bếp tại nhà hàng Phú Gia. Với năng khiếu bẩm sinh và lòng say mê học hỏi, ông nhanh chóng trở thành một đầu bếp có uy tín, được cử đi học những lớp nấu ăn cao cấp rồi được giữ lại làm thầy và cuối cùng về làm Phó giám đốc Công ty ăn uống Phú Gia.

Năm 1980, ông được đến Cộng hòa dân chủ Đức học và làm việc tại tại khách sạn Metropole tại Berlin. Trong 5 năm ông vừa học hỏi cách thức nấu ăn của các nước phương Tây, vừa giới thiệu quảng bá với nước ngoài về ẩm thực Việt Nam và ẩm thực phương Đông.

Năm 1990, tại cuộc thi nấu ăn quốc tế Gastropa tổ chức tại Praha Tiệp Khắc, ông đã tranh tài cùng 54 đoàn của 34 quốc gia trên thế giới. Tại đây, ông đã đạt được Huy chương vàng khiến cả thế giới phải sửng sốt trước sự sáng tạo và khéo léo đến tuyệt vời của người đầu bếp Việt Nam. Ông là bậc thầy trong nghệ thuật trang trí món ăn Việt Nam, trong lĩnh vực này có lẽ chưa có ai có thể thay thế vị trí của ông, các món ăn qua bàn tay ông đều có thể biến thành chim phượng hoàng tung cánh, gà trống hoa mơ, rồng vàng uốn lượn, cảnh gia đình xum họp …Khi mang nghệ thuật ẩm thực của Việt Nam đi dự thi và cũng là giới thiệu với ban bè thế giới về món ăn Việt Nam, văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nghệ nhân Đinh Bá Châu đã khiến người nước ngoài phải thán phục ngoài hương vị thơm ngon đậm đà của các món ăn thuần Việt, điều làm họ ngạc nhiên nữa là nghệ thuật cát tỉa trang trí cho các món ăn.

[IMG]

Tại SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, nghệ nhân Đinh Bá Châu được mời làm ” Tổng chỉ huy ” cho hệ thống các nhà hàng khách sạn Việt Nam trong việc nấu nướng, tổ chức các món ăn, phục vụ các đoàn vận động viên, quan khách đến từ các nước. Món lẩu “ Trâu vàng ” của ông được chọn làm đặc sản trong dịp này.

Năm 2013 – 2014, diễn ra cuộc thi nấu ăn toàn quốc mang tên “Chìa khóa vàng”, dành cho những Đầu bếp chuyên nghiệp cả nước, tổng giải thưởng tới 3 tỷ, giải nhất 1 tỷ đồng, nhằm quảng bá mạnh mẽ ẩm thực Việt Nam tới các du khách trong và ngoài nước; ông Đinh Bá Châu được vinh dự mời làm thành viên Ban giám khảo cuộc thi.

Ông có ba con trai đều theo nghề của ông, hai người hiện đang kinh doanh nhà hàng khá thành công ở Nga và Ba Lan.

Ở Việt Nam, gia đình ông có một nhà hàng tại Hà Nội và một nhà hàng tại Quảng Ngãi. Thời gian ông làm việc lâu nhất là khách sạn Phú Gia và khách sạn Thắng Lợi, ông từng tâm sự:

“…Mọi thứ, mình tự học là chính, nay có bổn phận truyền lại cho cháu con, mình từ khổ nghèo đi lên bằng hai bàn tay trắng, việc giản đơn thì có miếng thịt, miếng cá… Không biết làm ngon cho mình ăn, thì còn làm cho ai nữa?

” …với bàn tay tài hoa, nghệ nhân Ðinh Bá Châu đi khắp trong nam ngoài bắc, vừa làm vừa truyền nghề, không chỉ cho người Việt Nam mà cả các bạn nước ngoài. Họ vẫn thường gọi ông một cách trìu mến: Ông “vua bếp Việt Nam.“- Báo Nhân Dân.

Những người nấu bếp vẫn nổi tiếng với sự gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ của mình bởi đó chính là những quy định bắt buộc đối với nghề này. Đó cũng là những ấn tượng đầu tiên của tôi đối với ông Đinh Bá Châu, nghệ nhân nấu ăn số 1 tại Việt Nam, người đã từng giành huy chương vàng tại các cuộc thi nấu ăn của thế giới. Cái sự gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ ấy không chỉ thể hiện trong cách ông quản lý cái nhà hàng với sức chứa 500 thực khách của mình mà còn thể hiện ở ngay chính cách nói chuyện của ông…” – Báo Lao Động.

Nghệ nhân Đinh Bá Châu là tấm gương sáng vượt lên số phận, phấn đấu cho cuộc sống tốt đẹp, cho văn hóa ẩm thực Việt Nam, ông xứng đáng được tôn vinh là “ Vua bếp Việt Nam ”, “ Đầu bếp số 1 Việt Nam ”.

Theo Hodinhvietnam.com

Share

Trả lời