Dương Huy Khải đã trở thành một truyền thuyết ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam trong suốt 4 thập kỉ qua. Sau khi tốt nghiệp tại ngôi trường đào tạo ẩm thực nổi danh Le Cordon Bleu, ông làm việc cho các nhà hàng và khách sạn cao cấp ở Mỹ, chiến thắng nhiều cuộc thi quốc tế và hiện tại đang làm giám khảo cho các cuộc thi ẩm thực ở Việt Nam.
Cùng trò chuyện với Dương Huy Khải để khám phá con đường đến với nghề đầu bếp của ông!
1.Tại sao ông lại từ bỏ bằng kĩ sư cơ khí để theo đuổi sự nghiệp ẩm thực? “Tôi là con thứ 10 trong một gia đình có 12 người con. Khi còn bé, anh chị em chúng tôi học cách nấu món ngon từ mẹ. Là con trai nhưng tôi luôn luôn hào hứng mỗi khi được thay mẹ đi chợ, nấu ăn. Sau này sang Mỹ, một nửa số con của mẹ tôi trở thành bếp trưởng hoặc làm chủ nhà hàng. Được tiên chăm lo ăn học, bố mẹ muốn tôi trở thành 1 kĩ sư cơ khí, và sau khi biết tôi quyết định trở thành một đầu bếp, họ đã rất buồn và thất vọng. Tôi biết điều đấy nhưng thật sự không thể làm khác được, bởi tôi chỉ thật sự thấy hạnh phúc khi bước chân vào gian bếp.
Nghĩ lại, thời gian mà tôi học ngành kĩ sư, tôi nhận ra mình như đang ở trong một thế giới nào đó rất xa lạ mà mình không hề yêu thích. Làm sao mà tôi có thể dành hết cuộc đời để làm một công việc mà mình không thấy hứng thú? Và bây giờ tôi thật sự không hề hối hận với quyết định đó của mình.”
2.Tại sao ông lại chọn trường Le Cordon Bleu để theo học? “Mỗi món ăn luôn có một nét đẹp, nét độc đáo riêng. Tôi có 5 người chị và 1 người anh ruột là những đầu bếp rất giỏi, có nhà hàng riêng ở San Francisco. Tôi rất kính nể anh tôi vì nấu món ăn truyền thống Việt Nam cực kỳ ngon. Năm 1989, biết tôi muốn sang Pháp học Trường ẩm thực Le Cordon Bleu, anh ấy cũng nói rằng, đầu bếp là nghề không cần bằng cấp; hơn nữa, học phí rất cao, trong khi điều kiện kinh tế của chúng tôi có hạn.
Nhưng, khát vọng sâu thẳm trong tôi luôn thôi thúc và tôi muốn thuyết phục người thân bằng sự nỗ lực nghiêm túc trong suốt quá trình cố gắng học hỏi không ngừng nghỉ của mình. Nghề gì cũng phải học, tri thức là chìa khóa vạn năng mở toang mọi cánh cửa dẫn đến tương lai!
Khi tôi thực hành nấu ăn tại nhà hàng anh trai mình, tôi đã đọc rất nhiều sách và thử nghiệm làm các món ăn dân dã Việt Nam theo phong cách của châu Âu, châu Mỹ, và rất vui khi những người sành ăn đã nồng nhiệt chào đón chúng. Tuy nhiên, tôi luôn tự hỏi, tại sao người Mỹ lại luôn thích thú với những món ăn dân dã Việt Nam như chả giò, chả cuốn, phở,.. trong khi nước Việt mình có cả một thiên đường nguyên liệu để để tạo ra những món ăn sang trọng và bổ dưỡng. Tôi khao khát được tạo ra những món ăn cao cấp với những thực đơn tuyệt vời nhất, đó chính là lí do tôi nghỉ làm để đi học thêm về nghệ thuật nấu nướng. Và để làm được điều này, tôi cần lựa chọn ngôi trường đào tạo ẩm thực bậc nhất thế giới như Le Cordon Bleu.
3. Ông có khả năng đưa tinh hoa nền ẩm thực Việt Nam vươn ra thế giới. Chìa khóa nào giúp ông làm được điều đó?
Thật là một câu hỏi thú vị. Khi tôi học ở Pháp, vì không đủ điều kiện tài chính, tôi đã cố gắng rút ngắn thời gian học của mình từ 2 năm xuống 15 tháng. Sau đó, tôi quyết định tiết kiệm tiền để học thêm khóa làm bánh ngọt ở Le Notre.
Người Pháp vốn nổi tiếng là những người sành ăn. Vì thế, không chỉ học kĩ thuật nấu nướng, tôi còn cố gắng nhớ những kĩ xảo mà người Pháp vận dụng để nâng tầm món ăn của mình.
Sau khi quay lại Mỹ, tôi quyết định mở 1 nhà hàng cho riêng mình ở Beverley Hills, Los Angeles, chuyên phục vụ các món ăn Việt theo phong cách Pháp và một chút gia vị của Mỹ. Niềm mong ước duy nhất của tôi bây giờ là có thể thu nhỏ nền ẩm thực Việt Nam vào nhà hàng của mình, để giới thượng lưu Mỹ có thể khám phá sự tinh túy của nó trong từng bữa ăn.
4.Làm thế nào để những món ăn của ông chiến thắng trong cuộc thi Master Chef? Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ cũng đam mê nghề nấu nướng không?
Trong 1 lần quay về Việt Nam, tôi may mắn được những người có trách nhiệm tin tưởng giao cho 1 hộp yến sào với yêu cầu trong vòng 48 giờ phải hoàn thành thực đơn để thể hiện sự đặc trưng của nền dân tộc. Tôi nhớ là mình đã thức suốt đêm để tìm hiểu xem làm thế nào để thể hiện thực đơn một cách hoàn hảo nhất. Và cuối cùng, qua bao thử thách, tôi hoàn thành menu của mình với 9 món ăn ngon.
Mùa hè năm 2012, tôi có hơi phân vân khi siêu đầu bếp Martin Yan – người Trung Quốc gốc Mỹ, khuyến khích tôi tham gia cuộc thi Ẩmlại thực quốc tế cho các đầu bếp khắp nơi trên toàn cầu, lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Kinh. Các thí sinh được phép chuẩn bị dụng cụ và nguyên liệu nấu trước đó. Tôi nhìn xung quanh và nhận ra mọi người đều có bạn bè, gia đình đi theo, riêng tôi lủi thủi một mình. Thiếu thiết bị, nhờ Martin mà tôi có thể mượn những dụng cụ làm bếp cho mình. Tuy nhiên, có thêm một sự cố nữa là máy xay cà chua không hoạt động được, tôi phải đề nghị ban tổ chức đổi bếp. Sau đó, tôi bình tĩnh và hoàn thành món ăn của mình một cách thành công với những hương vị đặc biệt: lá chanh và cà chua.
Tôi muốn truyền cảm hứng lẫn đam mê mãnh liệt với nghề cho các đầu bếp trẻ. Mẹ tôi đã qua đời, nhưng mỗi lần nhớ về mẹ, tôi tự hào rằng đầu bếp là một nghề tinh tế và cao quý không thua kém gì bác sĩ, kỹ sư…
Theo Đất Việt