Tốt nghiệp thạc sĩ, Đoàn Ngọc Quang ở lại Seoul làm việc rồi lập nghiệp với công ty chuyển phát và ‘ôm mộng’ mở chuỗi nhà hàng Việt.
“Mấy nay, mỗi ngày quán bán được 30-40 cái bánh xèo, 60-80 tô phở và có hôm phải chiên mỏi tay đến 150 cuốn chả giò”, Đoàn Ngọc Quang kể khi đang đi lấy nguyên liệu cho Alaghi, một nhà hàng Việt nhỏ với sức chứa 20 chỗ ngồi tại quận Dongdaemun-gu, Seoul (Hàn Quốc).
Mặt bằng vỏn vẹn 50 m2 trong một khu văn phòng, được anh thuê với giá 2.000 USD mỗi tháng từ giữa năm ngoái. Khai trương vào tháng 9/2018, Quang tính nhẩm sau 10 tháng thì sẽ lấy lại được 2 tỷ đồng vốn đầu tư cho cuộc “phiêu lưu” vào ngành ẩm thực.
Với trung bình 120-150 khách mỗi ngày, chưa kể khách đặt giao hàng, Quang nói kế hoạch đang suôn sẻ. Nhưng mục tiêu của anh còn lớn hơn, vốn không có trong đầu, hồi mới đặt chân đến xứ người.
Đó là tháng 2/2010, Quang sang Hàn Quốc học cao học tại Đại học Kookmin. Anh tốt nghiệp năm 2012 và đầu quân cho một công ty tại đây. Sau 4 năm, anh ra mở công ty chuyển phát riêng. Kinh doanh ổn định cũng là lúc anh bén duyên với ẩm thực. “Suốt 8 năm ở Hàn Quốc, vợ chồng tôi tìm quán ăn Việt nhưng không ưng. Các loại phở bò, gà, hải sản… có mùi vị chưa thuần Việt”, Quang kể.
Sẵn chuyện này, anh quyết định mở một nhà hàng Việt thay vì mua nhượng quyền thương hiệu ẩm thực Hàn sẵn có. Anh nói mua nhượng quyền ở Hàn khá đắt, khởi điểm từ 3 đến 4 tỷ đồng mỗi quán.
Mất 6 tháng để nghiên cứu thị trường, tìm mặt bằng và học món ăn. Theo khảo sát của Quang, Hàn Quốc hiện có khoảng 400 quán ăn Việt Nam, riêng Seoul có 100 quán. Đa số theo mô hình nhà hàng của người Hàn hoặc quán gia đình của các cô dâu Việt sang lấy chồng, chỉ bán vài món mà họ biết.
“Tôi về Việt Nam một tháng để học nấu ăn và sang đây hoàn thiện thực đơn 10 món.
Xem thêm các khóa học nhân bánh mì Việt Nam, khóa học phở tại Học Món Việt để mở quán kinh doanh ở nước ngoài.
Người Hàn thích vào quán có nhiều món để chọn. Tuy nhiên, tôi không nấu quá nhiều vì phải tiêu biểu để họ nhận ra”, Quang nói 99% thực khách là người Hàn Quốc.
Năm 2018, Hàn Quốc là thị trường khách quốc tế lớn thứ hai của Việt Nam, với 3,16 triệu lượt, tăng 46,5% so với năm 2017. Quang nói rằng, đó là cơ hội của anh. “Khi họ chưa biết ẩm thực Việt thì đến quán nào bán đồ ăn Việt họ cũng chấp nhận. Nhưng giờ người Hàn đến Việt Nam rất nhiều. Họ đã biết phở, biết bánh mỳ đúng vị ra sao”, anh nói.
Anh nhập nguyên liệu quan trọng bằng đường chính ngạch. Bánh phở, bánh tráng, bánh mỳ… thì được mua từ các lò sản xuất của người Việt tại Seoul. Nhân sự được anh thuê theo ca, là du học sinh Việt Nam, và đặt tên quán là Alaghi, viết tắt của “Ăn là ghiền”.
Phở, bún bò, cơm tấm, chả giò, gỏi cuốn, bánh mỳ… là những món bán chạy nhất. “Người Hàn ăn ngoài một bữa thông thường khoảng 6-8 USD mỗi người, cao cấp thì 11-15 USD, còn ở quán của tôi sẽ rơi vào 7 USD”, Quang nói đang định vị phân khúc tầm trung, tuổi 20-40, độ tuổi theo anh là tiếp nhận văn hóa ẩm thực nước ngoài rất tốt.
Mỗi ngày, anh đến quán vào buổi sáng để trực tiếp nêm món ăn, pha chế nước chấm và nán lại đến trưa – thời điểm khách đông nhất. Anh sẽ dành buổi chiều cho các công việc khác. Đội ngũ nhân viên sẽ tự vận hành đến kết ca vào 10h đêm. Quang dành buổi tối cho vợ con.
“Mảng vận chuyển thì tôi yên tâm rồi, còn nhà hàng mới 6 tháng. Theo tôi, để vào nghề chuyên nghiệp phải trải qua tròn năm với xuân, hạ, thu, đông. Ví dụ, đông lạnh không ai ra đường mà mình có khách thì mới đo lường được. Phải qua hết chu kỳ để biết mùa nào bán cái gì chạy. Đại thành công thì không, thất bại cũng không. Tôi nghĩ kết quả đang trên trung bình”, anh nhận định.
Kể về mục tiêu lớn hơn, Quang bảo đang hoàn thiện công thức để mở chuỗi và nhượng quyền. Anh đặt mục tiêu có thêm 2 nhà hàng trong năm nay, với tỷ lệ góp vốn 50%. Đến nhà hàng thứ tư, anh sẽ nhượng quyền hoàn toàn. “Tôi cũng đang góp vốn vào một chuỗi trà sữa nhỏ ở Việt Nam. Nhờ thế, tôi góp nhặt được kinh nghiệm về vận hành chuỗi và nhượng quyền”, Quang vừa nói vừa khoe có khách đặt cùng lúc 30 phần bún chả và 15 ổ bánh mỳ.
Theo Vnexpress.net