Thông tin trên được ông Lê Quân – thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, công bố tại Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy học trong kỷ nguyên số đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp” sáng 17-4.
Thứ trưởng Lê Quân cho biết trong thời gian tới Bộ LĐ-TB&XH triển khai 2 dự án lớn:
Một là, xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu tích hợp hệ thống trong toàn quốc để kết nối tất cả các trường nghề để toàn bộ thủ tục hành chính, công tác kiểm định chất lượng, quản lý văn bằng chứng chỉ… đều được thực hiện trực tuyến.
Hai là, phát triển thị trường đào tạo trực tuyến. Theo đó, cho phép phát triển thị trường đào tạo trực tuyến, cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học có đủ năng lực có thể cung cấp các chương trình, môn học, modun trực tuyến cho phép người học đang học tại các trường hoặc người dân trong xã hội có nhu cầu học tích lũy modun trực tuyến… Hình thành thị trường đào tạo trực tuyến trong đó nhiều đơn vị có giải pháp đào tạo trực tuyến cho đơn vị của mình và cung cấp cho cả thị trường giáo dục nghề nghiệp.
Cũng theo ông Lê Quân, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Xây dựng một trung tâm tích hợp dữ liệu toàn ngành, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành kết nối hệ thống gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó bộ cũng sẽ đẩy mạnh được kết nối cung ứng lao động theo nghề và theo khu vực và kết nối với cầu của thị trường lao động. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo.
Ông Nguyễn Hồng Minh – tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) – cho biết thêm hiện nay Bộ LĐTB&XH đang chỉ đạo xây dựng 6 môn học chung cho các bậc cao đẳng và trung cấp. Chủ trương của bộ sẽ đưa 6 môn học này vào đào tạo trực tuyến; cho phép người học toàn quốc được học và thi các môn học này online.
Qua đó giảm thiểu chi phí đào tạo, tạo sự linh hoạt cho người học, và tạo sự thân thiện của người học với công nghệ thông tin. Tiếp theo sẽ là những modun chung theo nghề được xây dựng và triển khai đào tạo trực tuyến cho toàn ngành.
Bước tiếp theo, bộ sẽ cho triển khai nhiều modun đào tạo online khác như tiếng Anh, tiếng Hàn, tiếng Nhật, kỹ năng, kiến thức nghề cơ bản… Với công nghệ mới, người học tại mọi nơi và mọi lúc có thể dễ dàng tiếp cận giáo dục nghề nghiệp.
Theo thứ trưởng Lê Quân, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đã đưa ra nhiều giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới như: tập trung tăng cường đổi mới năng lực quản lý nhà nước từ cấp bộ đến các sở ngành để thích ứng yêu cầu đòi hỏi về sự thay đổi.
Tập trung đào tạo đội ngũ lãnh đạo quản lý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt các hiệu trưởng phải có đủ năng lực và có động lực, áp lực triển khai các giải pháp đổi mới. Và tăng cường năng lực cho đội ngũ giảng viên và hướng dẫn kỹ thuật của các trường nghề.
“Trong tất cả các giải pháp trên, bao trùm là việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quá trình đổi mới quản lý, đổi mới hoạt động của các trường. Đào tạo online sẽ giúp giáo dục nghề nghiệp vào đến với học sinh phổ thông để giúp phân luồng sớm, đến với các khu công nghiệp để giúp công nhân có thể vừa học vừa làm” – ông Quân khẳng định.
Hội thảo do Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH tổ chức với sự tham dự của gần 100 trường CĐ, trung cấp và đại diện các đơn vị doanh nghiệp cung cấp các giải pháp dạy và học số.
Theo Tuổi trẻ online