Theo ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Thông tư 28/2017/TT – BLĐTBXH quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp là căn cứ xây dựng khung pháp lý đảm bảo chất lượng hệ thống, phương thức quản lý mới và chuẩn hoá chất lượng đào tạo. Thông tư có hiệu lực từ 1/2/2018.
Được biết, việc ban hành Thông tư 28/2017/TT-BLĐXH còn làm cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp nắm bắt việc triển khai chính sách giáo dục nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nhận định về vai trò của Thông tư, chuyên gia Nguyễn Thừa Thế Đức (Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Tổng Cục giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng: “Quan trọng hơn, Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH là cơ sở để quy định và hướng dẫn cơ sở giáo dục nghề nghiệp cách thức xây dựng, vận hành, đánh giá và cải tiến hệ thống bảo đảm chất lượng”.
Thực hành tại Trường Trung cấp cơ khí I Hà Nội (ảnh: Kim Hồng Hưng)
Để triển khai thực hiện tốt các quy định của Thông tư 28/2017/TT-BLĐTBXH, chuyên gia Nguyễn Thừa Thế Đức lưu ý các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần lưu ý 7 điểm chính sau.
Cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường để dần thay đổi những thói quen của họ khi đang còn làm việc trong mô hình quản trị truyền thống (quản trị theo chức năng).
Các trường nên thực hiện tốt công tác chuẩn bị, rà soát kỹ càng thực trạng hiện có, tiến hành phân tích, đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng của mình so với chuẩn giáo dục nghề nghiệp hiện hành, từ đó xác định tầm nhìn, sứ mạng, các quy hoạch, chiến lược của mình. Bên cạnh đó, nhà trường cân nhắc quyết định thành lập hoặc giao bộ phận/đơn vị chủ trì công tác bảo đảm chất lượng, bố trí nhân sự đảm nhiệm công việc.
Theo chuyên gia Nguyễn Thừa Thế Đức, nhà trường nên nhận diện thẳng thắn khả năng hiện có, đối diện với sự thật để xác định đúng, phù hợp mục tiêu chất lượng, tránh tình trạng đưa ra những mục tiêu xa vời, vượt ngoài khả năng thực hiện.
Tiến hành xác định mục tiêu chất lượng, chính sách chất lượng của nhà trường trên cơ sở bám sát kết quả rà soát thực trạng/điều kiện bảo đảm hiện có, các thế mạnh, tồn tại, cơ hội và thách thức của nhà trường.
Tổ chức xây dựng quy trình, công cụ bảo đảm chất lượng (trừ các quy trình, công cụ bắt buộc), theo đó nên cân nhắc lựa chọn những lĩnh vực/nội dung quản lý chất lượng đang là thế mạnh của nhà trường, đang đem lại hiệu quả và có tính ổn định cao về chất lượng đào tạo để thực hiện quy trình, công cụ hoá.
Về hoạt động thiết lập hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng, nhà trường nên nghiên cứu, tham khảo các quy định về văn thư – lưu trữ hiện hành để xây dựng hoặc hoàn thiện quy chế quản lý, vận hành hệ thống thông tin bảo đảm chất lượng của mình.
Trong công tác tự đánh giá, nhà trường thực hiện nghiên cứu các chuẩn hiện hành về giáo dục nghề nghiệp và tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo Thông tư số 15/2017/TT–BLĐTBXH, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp để thực hiện hoạt động tự đánh giá đúng quy trình, có hiệu quả, đảm bảo thực chất và trách nhiệm giải trình.
Cuối cùng, chuyên gia Nguyễn Thừa Thế Đức cho rằng, nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến lộ trình thực hiện, lãnh đạo nhà trường cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng các khía cạnh theo thứ tự ưu tiên từ thấp đến cao, để đưa ra lộ trình phù hợp, một mặt đảm bảo triển khai chính sách kịp thời, mặt khác, có thời gian hợp lý để đội ngũ tiếp cận và thực hiện xây dựng, vận hành hệ thống.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH): Mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Về tuyển sinh năm 2015 đạt 2,29 triệu người, trong đó trung cấp, cao đẳng đạt 523.000 người, sơ cấp và dưới 3 tháng đạt 1,76 triệu người
Theo Dân trí