Đầu bếp tham gia show truyền hình không phải hiếm, nhưng nam đầu bếp Việt đóng vai chính trong sitcom dài mấy trăm tập chỉ mới có Võ Hoàng Nhân.
Năm 2014, ở tập cuối cùng của cuộc thi Đầu bếp đỉnh (phát sóng trên HTV7), không ít khán giả màn ảnh nhỏ đã rơi nước mắt qua sự chia sẻ về tuổi thơ cơ cực của thí sinh Võ Hoàng Nhân: “2h sáng tôi thức dậy làm cá thuê để giúp đỡ mẹ. Tôi đã tắm mà vẫn không hết mùi cá. Không ai ngồi chung với tôi… Tôi muốn báo hiếu cho cha mẹ. Tôi nỗ lực để mẹ không bị coi thường, để mẹ tự hào nói mẹ là của con…”. Cuộc thi năm đó, Võ Hoàng Nhân đã đoạt giải quán quân.
Và chỉ trong bốn năm, Võ Hoàng Nhân đã làm được nhiều điều mình mong muốn: trở thành thầy giáo, là người sáng lập và điều hành tại dịch vụ tư vấn ẩm thực nhà hàng khách sạn, liên kết thực hiện chuỗi nhà hàng Việt Nam tại Mỹ… Nhưng việc lấn sân vào showbiz lại là một ngã rẽ bất ngờ của anh.
“Tôi muốn xây dựng mình trở thành soái ca đầu bếp”, anh chàng đầu bếp có đôi mắt xếch một mí dí dỏm nói.
– Khi tham gia Đầu bếp đỉnh, đạo diễn Nguyễn Nam có lẽ thấy được khả năng giao tiếp, cách nói chuyện trôi chảy của tôi nên đã mời tôi tham gia một số chương trình chuyên về ẩm thực.
Sau đó một số nhà sản xuất khác biết đến và mời tôi. Tôi từng cộng tác nhiều chương trình như Món ngon mỗi ngày, Thiên đường ẩm thực, Mình ăn trưa nhé, sitcom Mỹ nhân vào bếp đã quay hết mùa 1 với 150 tập. Mùa 2 tôi cũng tiếp tục tham gia. Bây giờ có khi tôi nói còn nhiều hơn làm (nấu ăn) đó chứ! (Cười)
* “Soái ca” đầu bếp là phải như thế nào? Và xây dựng hình ảnh “soái ca” đầu bếp có khó không?
– Dĩ nhiên, tiêu chuẩn đầu tiên “soái ca” là lên hình phải đẹp. Bên cạnh đó tôi cũng muốn xây dựng hình ảnh một đầu bếp dày dạn kinh nghiệm, ứng xử lịch lãm.
Những kỹ năng chặt, thái và tung hứng món ăn, tôi đã được luyện tập từ nhỏ và thường xuyên, nhưng để có có thể dạn dĩ trước ống kính cũng không phải đơn giản. Tôi đi học kỹ năng MC, phải luyện tập kỹ năng hoạt ngôn, ứng biến tình huống…
Khi tham gia Mỹ nhân vào bếp tôi phải học cách đọc kịch bản, diễn cơ mặt và xử lý hình huống chung với bạn diễn. Ban đầu tôi cũng run lắm nhưng sau đợt quay đầu tiên khoảng 20 tập tôi đã bắt được nhịp và cách quăng miếng, đáp ứng được các yêu cầu của vai diễn. Giờ thì tôi cảm thấy đi quay phim cũng rất thích.
* Là đầu bếp chuyên nghiệp nhưng lại dấn thân vào showbiz, mục đích của anh là gì ?
– Đầu tiên và thẳng thắn – lý do là việc xuất hiện liên tục trên truyền hình với tư cách là một đại diện ẩm thực sẽ là cơ hội rất tốt để tên tuổi của mình được cập nhật thường xuyên trong mắt công chúng.
Nhưng lý do lớn nhất đó là tôi xây dựng hình ảnh mới cho các đầu bếp. Ngày xưa, đầu bếp còn được gọi là thợ nấu, chỉ quanh quẩn trong gian bếp đầy mùi vị mà thôi.
Nhưng giờ vai trò của đầu bếp đã khác trước. Chúng tôi không chỉ là người có kỹ năng nấu ăn ngon… mà còn ăn mặc chỉn chu, mượt mà, trí thức và tự tin trước ống kính.
Tôi còn muốn giới thiệu đến mọi người về những món ăn Việt mới, đầy tươi ngon.
* Một số chương trình ẩm thực hiện nay dù được đổi mới tăng cường thêm tính giải trí với sự tham gia của các nghệ sĩ nhưng vẫn chưa thật sự thu hút khán giả. Theo anh lý do là gì?
– Một chương trình ẩm thực đòi hỏi sự kịch tính bên cạnh công việc nấu ăn. Nhưng điều quan trọng là đưa được cái hồn của VN vào trong các chương trình ẩm thực VN.
Có lẽ hiện nay nhà sản xuất tập trung vào khai thác đối đáp của người dẫn, của khách mời – là người nổi tiếng tham gia chương trình – mà quên mất yếu tố quan trọng là làm sao khán giả thấy và cảm nhận được món ăn ngon. Điều đó cần có sự chăm chút về lời bình, góc máy quay…
Ở vai trò là đầu bếp chuyên nghiên cứu về các món ăn Việt và món ăn Việt “cách tân”, điều tôi thấy lo hơn đó là nhiều chương trình đang nghiên nhiều về món ăn nước ngoài.
Tôi vừa có chuyến đi đến Thái Lan. Những món ăn Thái luôn được đặt lên hàng đầu. Nếu du khách muốn ăn món khác thì món Thái được đi kèm theo. Người Thái tự hào về ẩm thực, biết cách phát huy thế mạnh, còn Việt Nam chưa chú trọng đến điều này, dù món ăn vùng miền ở VN rất ngon và đa dạng.
Theo Tuổi trẻ online