1. Chất lượng đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin
Nhằm đáp ứng nhu cầu học tập chuyên ngành công nghệ thông tin ngày càng lớn của giới trẻ, ngoài những trường đại học đào tạo chuyên sâu về ngành như đại học Công Nghệ Thông Tin thì những trường đại học khác đều có các khoa và bộ môn chuyên về ngành này như trường đại học Hoa Sen, đại học Giao Thông Vận Tải…theo thống kê của một website hướng dẫn tuyển sinh: riêng tại thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 30 trường đại học và 18 trường cao đẳng có đào tạo ngành công nghệ thông tin.
Tuy số lượng cơ sở đào tạo nhiều nhưng chất lượng đào tạo ngành công nghệ thông tin hiện nay vẫn là một câu hỏi lớn. Nguyên nhân là bởi thực trạng cho thấy một số lượng lớn sinh viên đã qua đào tạo chuyên ngành công nghệ thông tin ở các trường cao đẳng đại học nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng dẫn đến tình trạng thất nghiệp, làm trái ngành dẫn đến hiện tượng khan hiếm đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho ngành. Theo bà Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông,: “Hiện có 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm, thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm và kỹ năng mềm nói chung. Chỉ có khoảng 15% sinh viên mới tốt nghiệp đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp”.
2. Chương trình đào tạo ngành công nghệ thông tin
Trên thực tế đã ghi nhận là những phương pháp đào tạo quen thuộc, mặt bằng chung về cơ sở vật chất ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của ngành công nghệ thông tin. Ngoài ra, một số chương trình học của nhiều cơ sở đào tạo quá cũ không cập nhật thường xuyên theo sự phát triển của công nghệ thế giới, còn nặng về lí thuyết và thiếu tính ứng dụng thực tế. Đồng thời, trong quá trình học tập, một số cơ sở không định hướng các bạn sinh viên lựa chọn chuyên ngành đúng với khả năng và sở thích dẫn đến việc nhiều bạn hoang mang sau khi kết thúc chương trình học.
3. Các lĩnh vực và cơ hội việc làm ngành công nghệ thông tin
Nếu hoang mang về con đường có thể đi sau khi học ngành công nghệ thông tin, các bạn có thể bắt đầu tìm hiểu và thử sức ở các mảng khác nhau để tìm hướng phù hợp nhất với bản thân. Là ngành năng động và phát triển mạnh mẽ, công nghệ thông tin có nhiều định hướng như phần mềm, máy tính, hệ thống thông tin…Nếu hứng thú với phần mềm, lập trình phần mềm, game là một lựa chọn phổ biến. Nếu cảm thấy lập trình phần mềm không phù hợp có thể định hướng theo Tester, Product Owner. Nếu yêu thích công việc kinh doanh có thể làm kinh doanh phần mềm.
Cụ thể hơn nếu sinh viên học ngành kĩ thuật phần mềm có thể phù hợp làm các công việc như lập trình viên, quản trị dự án,giám đốc phần mềm. Ngành thiết kế đồ họa cho phép sinh viên làm việc trong các công ty chuyên về thiết kế website hay đối với ngành An toàn thông tin, các công việc như Chuyên viên quản trị bảo mật máy chủ và mạng, Chuyên viên bảo mật cơ sở dữ liệu (Data Admin), Chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống thông tin đảm bảo an toàn cũng là những lựa chọn phổ biến.
4. Những kỹ năng phụ cần thiết trong ngành công nghệ thông tin
Hiện nay có rất nhiều cơ hội gắn liền với ngành công nghệ thông tin điều quan trọng là sinh viên cần trang bị đủ kiến thức, kĩ năng sẵn sàng để nắm bắt lấy cơ hội đó. Ngoài những kiến thức căn bản và nền tảng học được ở trường đại học, cao đẳng sinh viên nên tìm hiểu chuyên sâu thêm về lĩnh vực mình yêu thích như học thêm ngôn ngữ lập trình, tham gia các khóa học ngắn hạn về một đề tài, cập nhật thông tin hằng ngày về sự phát triển công nghệ thông tin trên thế giới thông qua kho tàng tri thức vô tận trên Internet. Đồng thời để đáp ứng được yêu cầu công việc tương lai, khả năng ngoại ngữ cần phải được chú trọng và rèn luyện.Về kỹ năng mềm như làm việc nhóm, các bạn có thể rèn luyện qua việc tham gia các câu lạc bộ, các cuộc thi nhằm mở rộng mối quan hệ cũng như tiếp thu thêm được nhiều kinh nghiệm và kiến thức trong ngành.
Thời đại ngày nay cho thấy công nghệ thông tin hiện diện trong tất cả các lĩnh vực ở xã hội vì vậy cơ hội cho các bạn sinh viên chuyên ngành công nghệ thông tin là rất lớn. Điều cần thiết cho các bạn sinh viên để tránh sự hoang mang sau khi học xong ngành là cần phải hiểu rõ đặc điểm ngành, tố chất của bản thân liệu có phù hợp, xác định sở thích và không ngừng rèn luyện kiến thức chuyên ngành và những kĩ năng quan trọng khác.
Theo Topiworks