Vấn đề chọn ngành nghề sao cho đúng, chọn theo xu hướng hay chọn vì sự phù hợp? Câu chuyện dưới đây Giáo dục nghề chia sẻ, hy vọng sẽ giúp ích cho các bậc phụ huynh và các bạn học sinh trong việc định hướng, đưa ra quyết định cho tương lai của mình.
Cô giáo lớp Một ra bài tập cho học trò: tìm ra 3 hình tam giác trong hình vẽ. Một bạn nhỏ dễ dàng tìm được 2 hình nhưng: “Thưa cô, hình thứ ba bị khuất rồi, em không chỉ ra được ạ”. Hết hỏi rồi lại gợi ý, bé gái vẫn nói thế, cô đành phải chỉ cái tam giác lớn nhất ngoài cùng, chứa hai tam giác còn lại. Thực ra em không ngốc, chỉ là nhìn nhận vấn đề khác cô giáo. Cô muốn học trò tìm ra ba tam giác lồng vào nhau, còn bé thấy hình vẽ giống khối kim tự tháp mà chẳng biết làm sao chỉ ra mặt sau của nó.
Một người cha lạnh nhạt bảo: “Sao không phải là điểm 10 Toán? Giỏi toán mới là thông minh” khi con khoe được 10 điểm môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp cấp ba. Nghe thế, bao nhiêu niềm tự hào, phấn chấn của cô con gái tan biến hết, chỉ còn nỗi tủi thân khi mọi công sức của mình bị phủ nhận.
Cậu học trò thích học Công nghệ thông tin nhưng bị mẹ “định hướng” theo nghề của cha, có vậy mới dễ được “nâng đỡ” và tốt nghiệp sẽ có ngay cái nghề ổn định. Kết quả là cậu không thích thú ngành học của mình, ra trường chỉ có một công việc làng nhàng, đủ sống qua ngày.
Nếu bạn nghe đến “các loại hình trí thông minh” ở trẻ thơ thì đó là điều có trong “Học thuyết đa trí tuệ” (năm 1983) của nhà tâm lý học Howard Gardner, giáo sư ĐH Harvard. Mỗi loại đại diện cho khả năng và cách xử lý của con người trong vài lĩnh vực nhất định:
1. Trí thông minh không gian (thị giác): Cảm nhận tốt về hình ảnh và không gian, có trí tưởng tượng phong phú. Thường nắm bắt ý nghĩa sự việc thông qua hình ảnh; thích diễn đạt bằng mô hình, phác họa; giỏi sử dụng bản đồ và xác định phương hướng.
2. Trí thông minh âm nhạc, nhịp điệu (thính giác): Nhạy cảm với âm thanh, thẩm âm tốt, thường có khả năng sáng tác âm nhạc, chơi nhạc cụ hoặc ca hát.
3. Trí thông minh vận động/ thể chất: Khả năng sử dụng toàn thân hay một phần thân thể để giải quyết vấn đề, đạt được mục đích hay tạo ra sản phẩm. Học qua thực hành tay chân tốt hơn qua lý thuyết. Thường có năng khiếu thể thao, khiêu vũ, võ thuật, thủ công.
4. Trí thông minh giao tiếp xã hội : Nhận thức được cảm xúc của người khác, dễ dàng thiết lập mối quan hệ. Thích và giỏi giao tiếp, làm việc nhóm hiệu quả, biết thông cảm, thấu hiểu và truyền cảm hứng.
5. Trí thông minh ngôn ngữ: Đọc viết tốt, hiểu và giải thích ý tưởng dễ dàng. Thường tiếp thu kiến thức thông qua nói và viết, chơi ô chữ, đố vui…
6. Trí thông minh logic, toán học: Giỏi lập luận, tổng hợp và phân tích sự việc; nhạy bén trong các vấn đề liên quan đến số học, các trình tự và tư duy theo phương hướng nguyên nhân – kết quả.
7. Trí thông minh thiên nhiên: Rất yêu thích thiên nhiên và các hoạt động ngoài trời. Thường dễ nhận biết các loài động thực vật, các hiện tượng thiên nhiên và áp dụng kiến thức trong săn bắn, trồng trọt…
8. Trí thông minh nội tâm: Luôn hiểu rõ bản thân, biết mình muốn gì, cần gì. Thích suy ngẫm trong im lặng, tự đánh giá về những gì đã làm, từ đó lập ra kế hoạch và mục tiêu cho chính mình.
Nhiều người ít biết về loại thứ 9 – Trí thông minh triết học (hiện sinh): Quan tâm đến những vấn đề mang tính triết học, thường có năng lực khái niệm hóa, suy ngẫm các vấn đề sâu rộng như sự tồn tại của con người, ý nghĩa cuộc sống, tâm linh, tôn giáo…
**
Albert Einstein đã nói: “Ai cũng là thiên tài. Nhưng nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây, nó sẽ sống suốt đời với niềm tin rằng nó là kẻ đần độn”. Cho đến nay, câu chuyện bắt con cá leo cây dường như chưa hề chấm dứt, bất kể thời đại.
Nhiều gia đình “bắt kịp xu thế”, hướng con em mình theo nghề “hot” mà chẳng quan tâm thực lực của chúng. Thời Pháp thuộc thì “phi Cao đẳng, bất thành phu phụ”, rồi đến “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông lâm xin kiếu”, gần đây lại “nhất Anh, nhì Tin (học), tam Kinh (tế), tứ Luật”… Đề cao một ngành nghề quá cũng tức là xem nhẹ các ngành nghề khác, hơn nữa, chắc gì ta đã đánh giá đúng khả năng của người nhà mình để “trông giỏ bỏ thóc”.
Đâu chỉ người nổi tiếng, bằng cấp cao, nhiều giải thưởng mới có tài năng. “Mát tay” trồng trọt, chăn nuôi cũng là tài năng, dễ đồng cảm với tha nhân cũng là tài năng, ngồi mơ mộng “viển vông” rồi sáng tác cũng là tài năng… “Còn có thứ hiếm hơn, tốt đẹp hơn, khó kiếm hơn cả tài năng. Đó là có thể nhận ra được tài năng” (Elbert Hubbard, 1856 – 1915). Khi chưa nhìn ra được tài năng của “con cá” nhà mình, tôi tin vào niềm say mê của nó và thả nó “bơi”.
Bs Nguyễn Lan Hải