Mỗi người thành công đều có một khởi nguồn sự nghiệp khác nhau, và đầu bếp Cẩm Thiên Long cũng đã có những quyết định táo bạo trong những ngày đầu tiên vào nghề trước khi đến với những thành công trong suốt 11 năm của đời mình để theo đuổi giấc mơ nâng tầm món ăn Việt.
Sẵn sàng bỏ học, bỏ nghề để “được” nhặt rau, rửa chén
Nghề bếp đến với Cẩm Thiên Long rất tình cờ. Năm lớp 11, anh đã tự mình tìm kiếm những công việc làm thêm để tự lập trang trải một số chi phí khi đi học. Anh mạnh dạn xin vào làm phục vụ tại nhà hàng Miss Áo Dài. Anh mơ ước được khoác lên mình bộ trang phục sang trọng, tươm tất của nhà hàng và được thắt caravat đi làm mỗi ngày. Trong quá trình làm việc, anh thường trao đổi thông tin về món ăn với khách hàng và tiếp xúc nhiều với các nhân viên trong bếp. Bên cạnh đó, anh cũng thường dành thời gian rảnh rỗi lúc xong việc để vào bếp tìm tòi, khám khá nên dần dần niềm yêu thích nghề bếp đã hình thành trong anh từ lúc nào không hay. Bước ngoặt cuộc đời của anh xảy đến khi bếp trưởng nhận thấy anh phù hợp với nghề bếp và có ham muốn học hỏi nên đã điều chuyển anh từ vị trí phục vụ sang làm phụ bếp trong nhà hàng. Công việc đầu tiên làm phụ bếp khi đó của anh là nhặt rau, rửa chén.
Đam mê cứ thế lớn dần theo năm tháng, lớn đến nỗi sau chỉ sau nửa năm làm việc ở nhà hàng, anh đưa ra một quyết định táo bạo: nghỉ học để theo đuổi nghề bếp. Tuy gia đình không ủng hộ trước ý kiến bỏ học của anh, nhưng gia đình cũng tôn trọng trước quyết định tương lai của con trai mình. Điều khác thường của Cẩm Thiên Long khi vào nghề, là anh muốn dành thời gian đầu để thực sự “sống” với nghề rồi mới theo học bài bản chính thức. Chia sẻ về ‘con đường ngược’ này, anh cho biết: “Đa phần mọi người thấy được nghề bếp qua hình ảnh báo đài nên họ không hình dung được rõ ràng về nghề, ít ai biết được thực sự những khó khăn trong nghề là như thế nào. Vì thế nên có rất nhiều người đã bỏ ngang khi đã bước chân vào nghề này. Long không muốn bản thân mình sẽ như vậy. Chính vì vậy mà Long phải tự mình trải nghiệm vài năm trước để cảm thấy mình thực sự phù hợp với nghề rồi mới theo đào tạo chính quy. Thậm chí, Long sẵn sàng bỏ học để ‘được’ nhặt rau, rửa chén, một việc rất bình thường dành cho bất cứ ai mới tham gia nghề”.
11 năm với 1 lần hối hận, 3 lần nản chí, hàng trăm lần tủi thân
Gia đình của đầu bếp Cẩm Thiên Long gồm 5 thành viên: ba mẹ, anh và một em trai, một em gái. Hạnh phúc lúc thăng, lúc trầm. Kinh tế gia đình anh khá bấp bênh khi anh lên 5 tuổi. Lúc đó, cuộc sống gia đình có phần khó khăn hơn, và anh nhận thấy từng đồng tiền, hạt gạo là quý giá như thế nào. Chính vì thế, tại tất cả các công việc và các vị trí sau này, anh đều cố gắng cống hiến và tận tâm. Và trớ trêu thay, vì quá tận tâm với công việc mà anh phải đau xót hối hận. Giai đoạn đó là vào năm 2011, khi ấy Cẩm Thiên Long đang làm bếp phó tại Anantara Muine Resort & Spa ở Bình Thuận, anh lao đầu vào công việc ngày qua ngày như một con ong chăm chỉ. Đây là môi trường nước ngoài nên công việc luôn dồn dập và đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao, anh không thể thường xuyên về thăm mẹ đang điều trị ung thư giai đoạn cuối ở nhà. Đến khi nghe tin mẹ đang đối mặt với những giây phút cuối cùng trong suốt 2 năm chống chọi với bệnh tật, anh vội đón xe về nhà nhưng đã không kịp gặp mẹ. Anh luôn luôn ray rứt và rất ân hận về việc khoảng thời gian này.
Dấn thân vào nghề bếp từ năm 16 tuổi, đến nay, đầu bếp trẻ Cẩm Thiên Long đã có gần 11 năm kinh nghiệm trong nghề. Anh từng làm việc tại những resort lớn như: Anantara, Sealink, The Cliff, Merperle Hotel and Resort… cũng như các nhà hang lớn tại Sài Gòn như: Cepage, Buffalo Restaurant and Bar… Trải qua 11 năm làm bếp, không thể thiếu những lần Cẩm Thiên Long thấy ngọn lửa nghề trong anh giảm độ nóng rõ rệt. Anh kể: “Trong nhiều năm đi làm như vậy, Long không thể tránh khỏi những lần thấy nản chí với nghề. Với những áp lực vốn dĩ phải có, đôi khi nó quá sức chịu đựng của Long. 11 năm với 3 lần muốn từ bỏ, Long nhớ nhất là câu chuyện truyền lửa cho nhân viên. Các bạn trẻ bây giờ không có nhiều ý chí như những người đi trước. Khi làm việc, các bạn chỉ làm qua loa cho xong và không tâm huyết với nghề. Lúc ấy, với cương vị là bếp trưởng, Long khá khó khăn khi phải truyền lửa cho những bạn như vậy. Và chính bản thân Long cũng bị ảnh hưởng bởi sự vô tâm ấy. Long muốn buông xuôi tất cả, không còn thiết tha và nhiệt huyết làm việc nữa. Nhưng dần rồi Long nhận ra chỉ có mình tự nuôi dưỡng ước mơ và hun đúc thì ngọn lửa của mình mới cháy mãi được nên Long nhất quyết không chịu đầu hàng dễ dàng như vậy”.
Trong suốt quá trình theo nghề, đầu bếp Cẩm Thiên Long đã hai lần giành được giải thưởng danh giá: HCV kỷ lục các món nước Việt Nam 2013 và HCB các đầu bếp trẻ tài năng 2011. Giải thưởng này đã minh chứng cho những cố gắng, nỗ lực bền bỉ của anh. Tuy chiến thắng được giải thưởng và có thành công trong những cuộc thi lớn như vậy, anh lại chạnh lòng và tủi thân mỗi khi đến những ngày lễ lớn. Dẫu biết rằng nghề bếp khá mất nhiều thời gian và ràng buộc, anh lại không nghĩ mình lại yếu mềm trước những cảnh sum vầy hạnh phúc của những thực khách. Để rồi khi một mình trở về nhà trên đường khuya vắng, anh tủi thân tột cùng với nghề, với đời.
Quyết liều lĩnh theo đuổi món ăn Việt
Đôi khi, để có được bản lĩnh thì chúng ta phải biết “liều”. Với đầu bếp Long, sự liều ấy là thông minh và có tính toán. Phải mất đến 7 năm đầu làm việc theo phong cách bếp Âu, anh mới nhận ra mình thật sự đam mê cái gì. Và người ‘khai quật’ được đam mê ấy lại là một người ngoại quốc. Anh kể trong chuyến du học ở Ý bằng học bổng đào tạo về nghề bếp mà bản thân giành được, anh có dịp nấu các món ăn Việt Nam chiêu đãi bạn bè thế giới. Và tất cả mọi người đều trầm trồ bởi hương vị độc đáo và hấp dẫn của món ăn Việt. Chính điều này đã làm thay đổi suy nghĩ của Cẩm Thiên Long về quá trình theo đuổi bếp Âu suốt 7 năm ròng rã của mình. Anh liều lĩnh thay đổi hướng đi mới: “Khi chứng kiến khoảnh khắc thích thú ngưỡng mộ các món ăn Việt Nam của bạn bè quốc tế, Long có chút bồi hồi xúc động và nghĩ rằng, tại sao mình là người Việt Nam, mình cố gắng chạy theo phong cách ẩm thực phương Tây, để rồi chính người phương Tây lại khen ngợi món ăn tại chính quê hương mình sinh ra. Có lẽ Long cần phải thay đổi lại phong cách ẩm thực của mình. Nhưng 7 năm qua sẽ không vì thế mà uổng phí. Long sẽ kết hợp những tinh hoa của ẩm thực các nước để sáng tạo, đổi mới nâng tầm món ăn Việt nhưng vẫn không làm mất đi nét truyền thống vốn có, đây có lẽ chính là điều mà Long đang thực sự theo đuổi”.
Hành trình theo đuổi giấc mơ nâng tầm món ăn Việt của đầu bếp Cẩm Thiên Long đang từng bước được xây dựng bằng những viên gạch vững chắc. Với quyết tâm cao độ cực kỳ mãnh liệt, đầu bếp Cẩm Thiên Long đã gặt hái nhiều thành công đáng mơ ước.
Theo Tinbaihay.net