Giáo viên ép học sinh không thi vào lớp 10 vì…học dốt

Giáo viên ép học sinh không thi vào lớp 10 vì…học dốt

Thông tin giáo viên ép học sinh không thi vào lớp 10 được cho là lan truyền từ một group phụ huynh một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội)

Có thể bạn quan tâm: Hà Nội dự kiến lịch thi vào lớp 10

Tâm trạng tan nát của những phụ huynh có con “học dốt”

Thông tin được cho là lan truyền từ một group phụ huynh một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết nhiều trường hợp học sinh được giáo viên chủ nhiệm gặp riêng gia đình để khuyên ký cam kết không cho con thi vào lớp 10. Lý do là học sinh có lực học trung bình, không chăm học, không thể thi đỗ lớp 10 được.

Cũng theo thông tin từ phụ huynh, họ còn được giáo viên nhắc khéo nếu con cố tình thi lớp 10 sẽ không được xét tốt nghiệp THCS. Ngược lại, nếu con đồng ý học trường THPT tư thục hay trường nghề, con sẽ được nâng đỡ để đạt học sinh tiên tiến, có học bạ đẹp để xét tuyển.

Nhiều phụ huynh chia sẻ có con học lớp 9 của năm học trước và hiện đang học lớp 10 xác nhận họ đã được “tư vấn” tương tự.

“Cô nói với con thi làm sao được mà học. Tốt nhất là học nghề, hay vào trường tư. Con gái tôi về nhà đã khóc rất nhiều. Khi mời các phụ huynh có con ‘học dốt’ đến gặp, tôi cũng được cô nhắc lại điều tương tự nên đã cam kết không cho con tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. 

Nhưng con tha thiết thi quá, tôi đành đến xin rút lại và được nghe điệp khúc ‘mẹ nghĩ kỹ đi, không thi được đâu, chỉ tốn tiền’. Tôi không biết việc thi tốn tiền bao nhiêu, nhưng nếu cho con học trường tư với mức học phí 6-8 triệu đồng/tháng, gia đình tôi mới thật sự khó khăn”, phụ huynh có con học một trường THCS ở quận Hai Bà Trưng chia sẻ.  

ep hoc sinh khong thi vao lop 10

Chị Q.H., một phụ huynh có con trai học lớp 9 năm học trước tại trường THCS L.Y., cũng nói cô giáo chủ nhiệm gặp riêng tôi cho biết con tôi học dốt thế thì có thi vào lớp 10 cũng trượt vào trường công lập, tốt nhất là nên cho con học trường tư thục hoặc học nghề. 

Tại buổi họp phụ huynh cuối năm, cô giới thiệu luôn trường nghề để phụ huynh chọn. Đây cũng là trường nghề từng ‘chào mời’ phụ huynh đi tham quan trường.

“Trước đó, cô nhiều lần nói với con: ‘Cậu dốt thế thì học hành gì, thi làm sao được mà học’, nên con bị tâm lý hoang mang. Một số học sinh như con tôi bỏ hẳn ý định thi sau những nhận xét, gợi ý của cô giáo.

Bản thân tôi cũng định buông xuôi theo gợi ý của cô nhưng con gái lớn tôi cho rằng “phải để em cố gắng trước đã”. Con bé đã lên kế hoạch ôn tập với em trong 2 tháng để lấp lỗ hổng kiến thức và kết quả con trai tôi đã thi đỗ vào một trường THPT công lập, còn dư điểm. 

Điều cứu vớt con trai tôi không phải chuyện thi đỗ trường công mà là con đã có niềm tin vào bản thân, không phải ‘dốt nát, hết cách thay đổi’ như cô giáo nói”, chị Q.H. tâm sự.

Cũng theo chị Q.H., trường con chị nhiều học sinh là con dân lao động phổ thông nên sức học cũng không cao, có gần một nửa số học sinh trong lớp được giục bỏ thi lớp 10, nhưng số em may mắn như con chị không nhiều.

Từ mục tiêu “phân luồng” đến những hoài nghi về sự tiêu cực

Giáo viên THCS một số trường cho rằng thông tin lan truyền trên mạng “chỉ có một phần sự thật”. Vì không có chuyện ‘tư vấn’ cho hàng loạt học sinh từ mức khá trở xuống, những trường hợp được ‘tư vấn’ học nghề không nhiều.

Theo một hiệu phó một trường ở quận Hai Bà Trưng, việc tư vấn hướng nghiệp nhằm mục tiêu phân luồng sau THCS được xem là nhiệm vụ của các trường THCS. Nhưng mỗi trường, mỗi giáo viên phụ trách lớp 9 sẽ có cách làm khác nhau, thậm chí là rất khác.

“Trường tôi mỗi lớp cũng có khoảng 1-3 học sinh thuộc diện mất nền tảng kiến thức, không chăm, đến thuộc một đoạn thơ có khi cũng khó. Những trường hợp như thế thì đúng là khó thi đỗ lớp 10. 

ép học sinh không thi vào lớp 10_giaoducnghe

Việc tư vấn cho phụ huynh và học sinh những hướng đi khả thi hơn, tôi thấy không có gì sai. Ở đây chỉ là cách làm của giáo viên như thế nào. Việc nhận xét tiêu cực trực diện với học sinh chứng tỏ nghiệp vụ của giáo viên không ổn, nó khiến trẻ bị tự ti, thậm chí sốc. Những vụ trẻ bị sang chấn tâm lý, thậm chí tự tử có thể cũng từ những hành xử vô tình này. 

Tuy nhiên tôi khẳng định, việc giáo viên nào nói với học sinh không cam kết bỏ thi sẽ đánh trượt tốt nghiệp là không đúng, không được phép”, vị hiệu phó trên cho biết.

Đằng sau việc ‘tư vấn’ là gì? Vì thành tích của giáo viên, của trường (khi loại được học sinh yếu kém), hay vì trường THCS có sự ‘bắt tay’ với các trường THPT tư thục, trường trung cấp nghề để thu hút nguồn tuyển sinh? Những hoài nghi sau sự việc này đang làm cho tâm lý tiêu cực của phụ huynh, học sinh trở nên nặng nề.

Ông Phạm Xuân Tiến – phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội – cho biết sở đã nắm được thông tin và đang xác minh sự việc. Sở sẽ có văn bản gửi cho các trường THCS yêu cầu các trường chấn chỉnh việc tư vấn hướng nghiệp, không để tình trạng ép học sinh bỏ thi, học trường tư hay học nghề.

“Học sinh có thể có những lựa chọn học nghề, học trường THPT tư thục, nhưng không có nghĩa là phải bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Tư vấn định hướng nghề nghiệp để phụ huynh và học sinh có thông tin, lựa chọn tự nguyện chứ không được phép ép buộc. Những hứa hẹn ‘nâng điểm’ để có học bạ đẹp nếu học nghề và học trường THPT tư thục, nếu có bằng chứng sẽ phải xử lý nghiêm khắc vi phạm’, ông Phạm Xuân Tiến cho biết.

Tham khảo thêm thông tin kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại đây

Theo Tuổi trẻ online

Share