Thấy gì từ việc một bác sĩ thi lại ngành Công nghệ thông tin trong kỳ thi Quốc gia 2019

Thấy gì từ việc một bác sĩ thi lại ngành Công nghệ thông tin trong kỳ thi Quốc gia 2019

Một bác sĩ đa khoa vừa trở thành tân sinh viên ngành công nghệ thông tin trong năm 2019. Câu chuyện này thêm lần nữa cho thấy có những vấn đề trong chọn ngành học của học sinh giỏi.

Bác sĩ thi lại ĐH ngành khác
Năm 2019, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM có một tân sinh viên vừa tốt nghiệp ngành bác sĩ đa khoa từ Trường ĐH Y dược TP.HCM. Đó là L.V.N.N. trúng tuyển ngành công nghệ thông tin với điểm số 1.000 từ bài thi đánh giá năng lực (điểm tối đa bài thi này là 1.200).
Kỳ thi Quốc gia 2019 Giáo dục nghề
Hiện N đã nhập học chính thức và chọn công việc dạy thêm để trang trải cuộc sống của một tân sinh viên ở tuổi 24.
N. cho biết đã nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa vào tháng 11 năm ngoái. Anh quyết định dự thi xét tuyển ĐH một ngành khác sau 2 tháng đi làm tại một bệnh viện quận và tham gia lớp định hướng chuyên khoa để tìm một hướng đi chuyên sâu trong lĩnh vực y khoa.
“Thực ra ý định chuyển ngành học mình đã có từ năm thứ 3 nhưng thời gian đó chưa thực sự quyết đoán. Mình cũng rất cân nhắc, thời điểm đó nếu nghỉ sẽ ra đi tay trắng, còn ráng hết 6 năm thì dù không đi theo con đường này mình cũng vẫn có đường lùi nếu không thành công ở chặng đường mới”, N. bộc bạch.
N. cho biết thêm: “Cơ hội tìm việc cho các bác sĩ đa khoa thời điểm này khá dễ dàng, nhất là tại khoa ngoại hoặc phòng cấp cứu các bệnh viện. 7 triệu đồng/tháng cho một bác sĩ mới ra trường cũng không phải thấp nhưng với mình các ca trực là một lối mòn”.
Chia sẻ về lý do chọn học lại ngành công nghệ thông tin, tân sinh viên này cho biết bản thân muốn được làm một công việc liên quan đến khoa học mà ở đó đòi hỏi sự tính toán, logic nhiều hơn.
“Đó là một công việc có hàm lượng trí tuệ cao, đánh giá dựa trên thành quả thay vì đi theo một lối mòn và đánh giá công việc bằng thời gian”, N. nói.
Trước đó, tân thủ khoa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay cũng gây chú ý vì bản thân từng học gần hết năm thứ 3 ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM. Dù kết quả học tập tại trường ĐH trước đó đạt loại giỏi nhưng sinh viên này vẫn quyết tâm dừng việc học, ôn thi để chuyển sang ngành sư phạm hóa học vì không cảm thấy phù hợp.

Học sinh giỏi vẫn còn định vị mình theo ngành có vị thế

Có một điểm chung trong các trường hợp này là họ đều là những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh ĐH trước đó, trúng tuyển đồng thời nhiều trường nhưng lựa chọn ngành bác sĩ đa khoa dù chưa tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình sẽ theo học.
Tân sinh viên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cho biết bản thân đã lựa chọn ngành học dựa vào định hướng của thầy cô mình. Học sinh này cho biết, ở năm cuối khi tốt nghiệp THPT, những học sinh có học lực tốt thường được thầy cô định hướng chọn những ngành như bác sĩ, kinh tế…
Kết quả hình ảnh cho thi quốc gia 2019
“Ở thời điểm đó, mình học tốt 2 khối A và B nên dự thi Trường ĐH Y dược TP.HCM và Trường ĐH Ngoại thương. Mình chọn học ngành bác sĩ đa khoa vì ngành này khoa học hơn”, N. nói.
Hiện tượng này đúng như nhận định của PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: “Những học sinh giỏi vẫn còn định vị mình theo ngành có vị thế mà chưa thật sự lắng nghe mình”.
Theo ông Sơn, các biểu hiện bằng bạn, bằng nhóm… cũng là một trong những lý giải cho các hiện tượng trên.
“Không phải cứ học sinh có điểm thi cao, có tiềm lực học tập là phải thi đậu ĐH, đậu trường danh tiếng. Vấn đề là chọn đúng ngành nghề theo năng lực và sở thích của bản thân mới thật sự cần thiết”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo tiến sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, học sinh phải tìm hiểu kỹ để tìm ngành học thực sự phù hợp với bản thân. Còn gia đình, thầy cô khi tư vấn nghề nghiệp cũng nên định hướng học sinh những ngành học phù hợp với sở thích, sở trường và các điều kiện kèm theo.
Tiến sĩ Vũ chia sẻ: “Với học sinh giỏi, năng lực để trúng tuyển đầu vào ĐH không phải là vấn đề. Tuy nhiên việc học lực và sở trường nghề nghiệp là 2 yếu tố khác nhau”.
“Một người học giỏi toán có thể làm tốt vai trò một bác sĩ, một kỹ sư xây dựng, một cử nhân công nghệ thông tin hoặc một giáo viên dạy toán. Nhưng các yếu tố về sở thích, tính cách, năng khiếu… của người này sẽ quyết định công việc nào trong số này là phù hợp nhất”, tiến sĩ Vũ nhấn mạnh.
Theo Thanhnien.vn
Share

Trả lời