Giáo dục nghề nghiệp: Cần thay đổi từ tuyển sinh sang tuyển dụng

Giáo dục nghề nghiệp: Cần thay đổi từ tuyển sinh sang tuyển dụng

Trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác giáo dục nghề nghiệp cũng buộc phải ‘chuyển mình’ để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Trao đổi với phóng viên Báo LĐ&XH về công tác giáo dục nghề nghiệp, PGS, TS Lê Quân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chính là ‘chìa khóa’ để giải bài toán về nhân lực hiện nay.

Giáo dục nghề nghiệp: Cần thay đổi từ tuyển sinh sang tuyển dụng - Ảnh 1

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân

Thưa Thứ trưởng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung từng nhấn mạnh, năm 2018, ngành LĐ-TB&XH sẽ tập trung tạo bước đột phá trong hai lĩnh vực: Giáo dục nghề nghiệp và cải cách hành chính. Vừa nhận nhiệm vụ mới, là Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH được giao phụ trách mảng giáo dục nghề nghiệp, một lĩnh vực ngành rất quan trọng, ông có cảm thấy bị “sức ép” không?

– Áp lực thì tôi chưa cảm nhận, nhưng trách nhiệm thì rất lớn. Tuy vậy, sự quan tâm của xã hội và của lãnh đạo Bộ tạo động lực và cảm hứng để tôi và đồng nghiệp nỗ lực hành động. Đến nay, những giải pháp lớn để đổi mới giáo dục nghề nghiệp đã được xác định. Năm 2018 sẽ đánh dấu những hành động và những kết quả cụ thể. Trong thời gian tới, xã hội không cần chúng ta nói nhiều về giải pháp nữa. Xã hội sẽ kiểm đếm những kết quả mà chúng ta cần đạt được.

Thứ trưởng nhận định thế nào về công tác giáo dục nghề nghiệp của chúng ta hiện nay, cả về thành tựu và thách thức?

– Giáo dục nghề nghiệp của chúng ta hiện nay có nhiều thành tựu và cũng còn nhiều hạn chế. Thành tựu lớn nhất là chúng ta có được một mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phủ sóng toàn quốc. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp có quy mô và chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực. Năm 2017 giáo dục nghề nghiệp có bước tiến lớn khi kết quả tuyển sinh đạt trên 250% so với 2016. Nhiều trường đã đổi mới thành công chương trình đào tạo và đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp có việc làm đạt trên 75%, và có thu nhập tốt.

Bên cạnh đó, điểm yếu nhất của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp dàn trải, chất lượng không đồng đều, tư duy bao cấp còn nặng nề. Đặc biệt, mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện rất yếu và không thực hiện được nhiệm vụ phân luồng.

Giáo dục nghề nghiệp: Cần thay đổi từ tuyển sinh sang tuyển dụng - Ảnh 2

Thứ trưởng Lê Quân và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chứng kiến đại diện VCCI và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ký thỏa thuận phối hợp

Để tạo bước đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, theo Thứ trưởng, chúng ta phải tập trung vào những giải pháp gì?

– Để tạo bước đột phá, Bộ đã xác định đổi mới giáo dục nghề nghiệp thông qua giao tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp và chú trọng quản lý chất lượng. Trong thời gian tới, một số giải pháp quan trọng bao gồm:

Thứ nhất, đổi mới phương thức quản lý nhà nước, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển. Các văn bản quản lý nhà nước cần được ban hành đồng bộ nhằm xóa bỏ tư duy bao cấp, chuyển từ cơ chế giao kinh phí hoạt động thường xuyên sang cơ chế đặt hàng, chuyển từ cơ chế phí sang giá, khuyến khích đổi mới, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và khu vực tư nhân, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường quản lý chất lượng…Thứ hai, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, thực hiện sáp nhập và giải thể các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đáp ứng yêu cầu; giảm đầu mối cơ quan chủ quản bộ, ngành và nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các tỉnh, thành phố. Tập trung đầu tư cho các trường trọng điểm để tạo đà cho đổi mới. Nhà nước khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, triển khai đồng bộ đề án nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp tại Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các sở LĐ-TB&XH; nâng cao chất lượng các hiệu trưởng, đội ngũ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng giảng viên; đẩy mạnh đầu tư đào tạo gắn với đặt hàng của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đào tạo…

Thay đổi quan niệm về học nghề không đơn giản trong một xã hội sính bằng cấp và cổng trường đại học vẫn là mơ ước của rất nhiều người. Đây có vẻ là một nhiệm vụ khá khó khăn?

– Giải pháp duy nhất để xã hội lựa chọn giáo dục nghề nghiệp đó là chất lượng. Nếu học nghề có cơ hội việc làm và thu nhập tốt, người học sẽ lựa chọn. Bên cạnh giải pháp cơ bản là mỗi cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao chất lượng đào tạo, một số giải pháp cần được tập trung bao gồm:

Thứ nhất, đẩy mạnh đổi mới công tác tuyển sinh. Chúng ta cần thay đổi quan điểm từ tuyển sinh sang tuyển dụng. Tuyển sinh của giáo dục nghề nghiệp khác với tuyển sinh đại học. Đây là quá trình mà người học chọn nghề và chọn trường. Nghề nào có cơ hội việc làm tốt, phù hợp với năng lực và nguồn lực thì sẽ được người học lựa chọn. Trường nào đảm bảo được việc làm, có chất lượng đào tạo tốt, hỗ trợ được người học nhiều thì sẽ được người học lựa chọn. Khi chưa trả lời được câu hỏi người học sẽ làm ở đâu, thu nhập bao nhiêu, thực tập và thực hành như thế nào…, thì các trường chưa tuyển sinh.

Thứ hai, cần quan tâm đến công tác truyền thông. Chúng ta cần có kế hoạch truyền thông tổng thể. Qua đó phân vai rõ ràng. Bộ và Tổng cục làm gì, các địa phương làm gì, các trường làm gì. Truyền thông có chiến dịch, có thông điệp, có điểm nhấn, gắn với người thực việc thực sẽ thay đổi được nhận thức chạy theo bằng cấp và không coi trọng giáo dục nghề nghiệp. Trong công tác truyền thông, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội, đẩy mạnh sự tham gia của người học như đại sứ truyền thông.

Theo Thứ trưởng đâu là những lợi thế của giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội “thừa thầy, thiếu thợ” hiện nay?

– Học nghề có rất nhiều sức hấp dẫn với người học. Dạy nghề khác với giáo dục đại học. Trong giáo dục đại học, chương trình đào tạo thường được phân chia thành các học kỳ từ kiến thức cơ bản, kiến thức cơ sở đến kiến thức ngành, chuyên ngành và thực tập tốt nghiệp. Do đó, sinh viên đại học ít có cơ hội thực hành, thực tập trong hai năm đầu. Ngược lại, trong giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo được cấu trúc theo modun. Học xong mỗi modun là người học có thể thực hành và làm việc được. Sự khác biệt của giáo dục nghề nghiệp là vừa học vừa làm, học đến đâu thực hành đến đó, thời gian học ngắn và người học có thể có việc làm và thu nhập ngay từ những năm đầu. Học nghề giúp người học hội nhập xã hội sớm, nhưng vẫn đảm bảo cho người học được tiếp tục học liên thông lên đến thạc sĩ, tiến sĩ nếu có nhu cầu. Với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu đi theo học nghề, người học có thể có bằng kỹ sư, cử nhân thực hành trong 5 năm, thay vì 8 năm nếu đi theo lộ trình thông thường.

Chính vì vậy, thời gian tới các trường cần mạnh dạn đổi mới chương trình đào tạo. Nếu các trường cao đẳng vẫn có chương trình đào tạo cấu trúc theo kiểu đại học rút gọn thì sẽ không tuyển sinh được. Bởi khi bỏ điểm sàn xét tuyển đại học, người học sẽ chọn học đại học luôn chứ không chọn học cao đẳng nếu chương trình cao đẳng không có sự khác biệt.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Báo Mới

Share

Trả lời