Nhiều trường Đại học không còn mặn mà với xét tuyển học bạ

Nhiều trường Đại học không còn mặn mà với xét tuyển học bạ

Trong mùa tuyển sinh Đại học năm 2024, một số trường Đại học TOP đầu đã lên phương án bỏ xét tuyển học bạ ở bậc THPT.

Mới đây, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã công bố đề án tuyển sinh ĐH năm 2024. Theo đó, trường tuyển sinh theo ba phương thức: xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu (như năm 2023); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là 18% (giảm 7% so với năm 2023); 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, trong năm 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT. Các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.

Lý giải về việc bỏ phương thức xét học bạ, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, nhóm thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức kết hợp trên có học lực rất giỏi và gần như đều đáp ứng các điều kiện ở phương thức xét tuyển khác. Điều này dẫn đến tỷ lệ trùng lặp của nhóm thí sinh là học sinh chuyên xét tuyển học bạ với các nhóm đối tượng khác rất cao, dẫn đến tỷ lệ thí sinh ảo cũng tăng mạnh. Vì thế, việc bỏ nhóm thí sinh này làm giảm tỷ lệ thí sinh ảo mà ít gây ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.

Tương tự, năm 2024, Trường ĐH Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ. 

Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố phương án tuyển sinh cho năm 2024. Trường xét tuyển học bạ với điều kiện khắt khe hơn. Theo đó, trường ĐH Ngoại thương bổ sung thêm điều kiện thi THPT 2024 phải đạt sàn 24 điểm đối với các phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT.

trường đại học không mặn mà với xét tuyển

Cụ thể, với phương thức 1 (Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia/đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia hoặc trong cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia, đạt giải (Nhất, Nhì, Ba) học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố lớp 11 hoặc lớp 12, và thí sinh thuộc hệ chuyên của trường THPT trọng điểm quốc gia/THPT chuyên) và 2 (Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập THPT/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho thí sinh hệ chuyên, hệ không chuyên của các trường THPT), năm 2024, thí sinh phải đáp ứng thêm điều kiện có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên. Đây là một cách để nâng cao chất lượng đầu vào, qua đó trường có thể lựa chọn những thí sinh tốt nhất được xét tuyển vào.

Bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Tuyển sinh đại học thông qua học bạ có thể giúp các trường dễ dàng tuyển sinh nhưng khó đảm bảo công bằng. Hiện nay, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và đánh giá của các cơ sở giáo dục khác nhau, có thể học sinh giỏi trường này nhưng so với trường kia lại chưa nổi trội.

Cũng theo thầy Đức, thực tế hiện nay, tỷ lệ học sinh khá, giỏi theo học bạ chiếm phần trăm khá cao. Chính vì thế, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Do đó, xét tuyển đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành hot như: Công nghệ thông tin, Y dược, Kinh tế…

Theo GS Đức, thực tế cũng cho thấy một số trường THPT cũng không quá khắt khe khi đánh giá, thậm chí “biếu điểm” cho học sinh. Khi đó, mặc dù thí sinh có học bạ tốt và có thể trúng tuyển vào ngành yêu thích, nhưng khi vào học lại rất khó có thể theo học. Ví dụ các ngành như: Toán học, Vật lý, Hóa học, Y dược, Công nghệ thông tin tự động hóa, Cơ điện tử… các em sẽ không học được, thậm chí phải bỏ học giữa chừng, lãng phí thời gian cho thí sinh và thiệt hại tài chính cho gia đình và nhà trường.

Qua việc đánh giá chất lượng sinh viên sau khi kết thúc kỳ học hoặc năm học đầu tiên, nhiều cơ sở giáo dục cùng nhận định rằng: Phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi riêng cung cấp những sinh viên có chất lượng tốt cho các nhà trường. Ông Trần Bá Trình, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Sau 1 năm học, chúng tôi quan sát và thấy sinh viên xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực có 2 ưu điểm chính: Một là tư duy rành mạch, rõ ràng; hai là khả năng thích ứng với môi trường học tập đại học nhanh.

Có thể thấy, nhiều trường Đại học TOP đầu đã nói không với việc xét tuyển học bạ. Ngược lại, các trường tốp giữa và tốp dưới lại có xu hướng gia tăng chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm học bạ trong những năm gần đây.

Theo Dân trí

Share