Thông tư 27/2017 Vv Đào tạo liên thông trong Giáo dục nghề nghiệp

Thông tư 27/2017 Vv Đào tạo liên thông trong Giáo dục nghề nghiệp

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư số 27/2017 quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Văn bản có hiệu lực từ ngày 5-11-2017.

Theo đó, Thông tư số 27/2017/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp theo hình thức chính quy và hình thức vừa làm vừa học, bao gồm: đào tạo liên thông giữa trình độ sơ cấp với trình độ trung cấp và đào tạo liên thông giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng.

Thông tư này áp dụng cho các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng (dưới đây gọi tắt là trường).

Theo đó, các trường tổ chức đào tạo liên thông khi bảo đảm các yêu cầu sau:

Thứ nhất, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng đối với những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông ở trình độ tương ứng.

Thứ hai, đã ban hành chương trình đào tạo liên thông cho những ngành, nghề trường dự kiến đào tạo liên thông được xây dựng theo quy định tại Điều 7 của Thông tư này.

Thứ ba, đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, trường phải bảo đảm thêm điều kiện có ít nhất một khóa học sinh, sinh viên trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng hình thức đào tạo chính quy đã tốt nghiệp.

Về tuyển sinh đào tạo liên thông, đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ trung cấp là người có chứng chỉ sơ cấp, sơ cấp nghề cùng ngành, nghề và có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên; người có bằng tốt nghiệp trung cấp, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp trung cấp thứ hai.

Đối tượng tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ cao đẳng là người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề và bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương; người có bằng tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông thì phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; người có bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề có nhu cầu học liên thông để có bằng tốt nghiệp cao đẳng thứ hai.

Thời gian, hình thức tuyển sinh đào tạo liên thông được thực hiện theo Thông tư số 05/2017/TT-BLĐTBXH ngày 2-3-2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng.

Thời gian đào tạo liên thông theo niên chế giữa trình độ trung cấp với trình độ cao đẳng từ một đến hai năm học tuỳ theo ngành, nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành, nghề đào tạo.

Thời gian đào tạo liên thông theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp là thời gian để người học tích lũy đủ số lượng mô-đun hoặc tín chỉ cho từng chương trình đào tạo.

Chương trình đào tạo liên thông được xây dựng theo nguyên tắc kế thừa và tích hợp để giảm tối đa thời gian học lại kiến thức và kỹ năng mà người học đã tích lũy ở các chương trình đào tạo khác; đồng thời phải phản ánh đúng mục tiêu, nội dung, thời gian đào tạo; phương pháp dạy, học và đánh giá. Ngoài ra, còn phải bảo đảm cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng mà người học còn thiếu và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới của ngành, nghề tương ứng với trình độ đào tạo.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 5-11-2017.

Theo Nhân dân

 

Share

Trả lời