4 bước đơn giản để chọn ngành học phù hợp tính cách

4 bước đơn giản để chọn ngành học phù hợp tính cách

Làm sao để chọn ngành phù hợp với tính cách? Câu hỏi tưởng dễ nhưng lại khá hóc búa với nhiều bạn trẻ, nhất là với những bạn vừa tốt nghiệp THPT.

1. Thay đổi cách đặt vấn đề
Khi chọn một ngành học hay nghề nghiệp cho tương lai, câu hỏi phổ biến mà nhiều bạn trẻ đặt ra chính là: Ngành nghề nào có thu nhập cao? Ngành nghề nào có nhu cầu tuyển dụng lớn? Ngành nào dễ tìm việc?Cách đặt vấn đề này dễ khiến người trẻ rơi vào sai lầm thường gặp, đó là chọn ngành nghề theo phong trào, theo tin đồn mà bỏ quên sở thích, năng lực của bản thân.

Trên thực tế, cơ hội nghề nghiệp cao hay thấp, tìm việc khó hay dễ là do bản thân người lao động có đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hay không.

Thu nhập tốt và thăng tiến nhanh là phần thưởng cho những nỗ lực làm việc hiệu quả của cá nhân, không phải là mẫu số chung cho bất kỳ một ngành nghề cụ thể nào. Vì vậy, người có năng lực, kiến thức và đam mê cống hiến thì dù làm việc ở lĩnh vực nào cũng có khả năng kiếm được thu nhập tốt.

Tại một số thời điểm, mặt bằng lương trung bình hay nhu cầu tuyển dụng của một số ngành nhất định có thể cao hơn mức trung bình thị trường và một số ngành khác.

Nhưng về bản chất, sự chênh lệch này chính là do cung cầu thị trường mà ra, mà thị trường thì thay đổi rất nhanh nên chỉ có cách luôn duy trì tính cạnh tranh và đam mê với công việc, bạn mới có thể phát triển con đường sự nghiệp như mong đợi.

2. Thử qua các bài kiểm tra tính cách

Có rất nhiều bài kiểm tra tính cách khác nhau được xây dựng dựa trên các nghiên cứu tâm lý đáng tin cậy. Bạn có thể thử bài kiểm tra theo Mô hình 5 nhân tố (Còn có tên gọi khác là Big Five hay Five Factor Model), bài kiểm tra tính cách phổ biến MBTI, bài kiểm tra chỉ số thông minh cảm xúc EQ hoặc chỉ số thông minh IQ.
 

ch%E1%BB%8Dn%20ngh%E1%BB%81%20ph%C3%B9%20h%E1%BB%A3p2

Mỗi bài kiểm tra tuy không đánh giá được trọn vẹn các mặt của cá tính và năng lực nhưng phần nào tiết lộ khuynh hướng tự nhiên của bạn.

Từ kết quả các bài kiểm tra này, bạn cần tiếp tục đối thoại với bản thân để xác định: liệu thiên hướng và ước muốn của bạn có chung một tiếng nói hay không, liệu năng khiếu bẩm sinh có phù hợp với những đòi hỏi đặc trưng của nghề nghiệp mà bạn muốn theo đuổi hay không?

Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế mà gia đình có thể đầu tư cho việc học bạn cũng là một yếu tố cần cân nhắc.

Ở bước này, bạn sẽ có cơ hội giới hạn năng khiếu, sở trường và tính cách của mình vào những nhóm ngành nghề nhất định.

3. Tham khảo các mẩu tin tuyển dụng

Tin tuyển dụng có lẽ là khá xa lạ với các bạn trẻ vừa rời khỏi trường phổ thông và có ý định tiếp tục học đại học. Tuy nhiên, đây chính là nguồn thông tin chi tiết nhất giúp các bạn tìm hiểu về thực tế nghề nghiệp trong tương lai.

Các mẩu tin tuyển dụng hiện nay đều mô tả rất cụ thể những yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm, bằng cấp, phẩm chất, tính cách mà nhà tuyển dụng trông đợi ở ứng viên.

Tham khảo tin tuyển dụng cũng giúp bạn nắm được mức lương trung bình mà thị trường chi trả cho nghề nghiệp mà bạn sắp đeo đuổi.

Sau khi xác định nhóm ngành chung ở bước 3, bước 4 giúp bạn xác định được chức vụ, công việc, lĩnh vực cụ thể mà mình có thể đảm đương trong tương lai để có kế hoạch tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp. 

4. Tham khảo “người thật, việc thật”

Nếu như tin tuyển dụng giúp bạn có hiểu biết về nghề nghiệp dưới góc độ của nhà tuyển dụng thì việc tìm hiểu về những người chuyên nghiệp giúp bạn đánh giá công việc toàn diện từ phía người lao động.

Bạn có thể nhờ người quen giới thiệu để gặp gỡ và tham khảo kinh nghiệm từ những người đang làm việc trong lĩnh vực mà bạn quan tâm.

Đừng nên hỏi về lương hay phúc lợi vì đây là những vấn đề khá nhạy cảm, thay vào đó hãy cố gắng tìm hiểu tại sao những người này lại muốn gắn bó (hoặc từ bỏ) nghề nghiệp của họ. Động lực của họ khi đến với công việc này là gì, nền tảng giáo dục và chuyên môn của họ ra sao?

Nếu ngại gặp gỡ trực tiếp, bạn hoàn toàn có thể nghe, xem, đọc các bài phỏng vấn, chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm từ những nhân vật thành công, có địa vị và danh tiếng trong ngành.

Bước cuối cùng này giúp bạn có cái nhìn thực tế về nghề nghiệp và ngành học bạn sắp lựa chọn cũng như tiếp thêm nguồn cảm hứng để bạn thực hiện ước mơ.

Theo Nhịp sống trẻ

Share

Trả lời