Nguyễn Toàn Mỹ:” Khi bạn thích phiêu du pha chế”

Nguyễn Toàn Mỹ:” Khi bạn thích phiêu du pha chế”

Nguyễn Toàn Mỹ – Giám sát bar nhà hàng Firkin, Q.1, TP.HCM- là một bạn trẻ thành công trong nghề pha chế.

Sinh năm 1993, Nguyễn Toàn Mỹ từng chọn học nghề tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Miền Nam, ngành kỹ thuật xây dựng. Học được 2 năm thì thấy không hợp nên bỏ ngang. Hiện tại anh rất thành công trong ngành pha chế  và giữ  vị trí giám sát bar nhà hàng Firkin, Q1, TP HCM

Nguyễn Toàn Mỹ nói:

Tôi chuyển sang học nghề pha chế và rất hài lòng với công việc hiện tại.

Thời gian học khóa pha chế tại Trường Việt Úc (VAAC) 3 tháng rưỡi, tuy ngắn nhưng đã trang bị cho tôi nhiều kỹ năng cơ bản, kiến thức nền tảng về nghề, để sau đó ra làm được việc, tiếp tục rèn luyện tại các nhà hàng, quán bar khác.

Nghề pha chế mang lại cho bartender rất nhiều thứ. Đặc biệt, bạn sẽ có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với nhiều người, từ trong nước lẫn ngoài nước, với đủ nghề nghiệp khác nhau. Chính những lần trò chuyện đó sẽ cho bạn cơ hội học hỏi, có thêm kiến thức đời sống cùng những điều thú vị khác từ người khách của mình.

Qua nhiều năm làm nghề, tôi nhận ra một bartender giỏi ngoài kỹ năng thì phải am hiểu văn hóa, cảm thụ mùi, vị tốt. Hiểu rõ tính năng của từng loại thức uống, trái cây và khả năng kết hợp được với nhau giữa chúng, từ đó mới có thể sáng tạo ra những thức uống mới mang màu sắc riêng của mình. 
 

IMG 7050

Còn để có thể trở thành một người pha chế chuyên nghiệp, tất cả tùy thuộc vào sự đam mê, sự nghiêm túc của mỗi người trong quá trình học nghề, rèn luyện.

Ngoài việc thực hành nghề mỗi ngày, bartender phải luôn tìm tòi học hỏi (từ sách báo, trên mạng, và một kênh quan trọng khác là đồng nghiệp của mình), phải có “gu” riêng trong công việc, là khả năng sáng tạo.Trước khi làm tại bar hiện tại, tôi có hai năm làm việc tại một nhà hàng Nhật. Đó cũng là thời gian tôi học nghề, cho tôi thêm kinh nghiệm và tiếp tục củng cố giá trị của nghề mình chọn. 

Với những kỹ năng bổ trợ cho nghề, tôi thấy quan trọng nhất là bạn phải giỏi ngoại ngữ và giao tiếp khéo léo. Chính những kỹ năng mềm này bên cạnh khả năng pha chế ngon, giỏi sẽ giúp bạn thành công hơn.

Một điều khác nữa chính là hãy “hạ cái tôi của mình xuống”, điều này áp dụng với khách của mình lẫn đồng nghiệp, cấp trên. Đừng bao giờ giành phần đúng với khách, cứ nhận lỗi về mình, rồi sau đó bạn hãy trình bày với quản lý của mình sau. 

Trong công việc, thi thoảng cũng có những đồng nghiệp xem mình là “ngôi sao” trong quầy bar vì có năng lực. Tuy nhiên, những người như vậy sẽ khó đi xa trong nghề bởi không thể hòa đồng được với tập thể.

“Công thức” thăng tiến của nghề pha chế mà mỗi người thường sẽ trải qua trong quá trình công tác chính là bắt đầu làm ở vị trí nhỏ tại một chỗ nhỏ; rồi đến làm vị trí nhỏ ở một chỗ lớn; sau đó làm vị trí lớn ở chỗ nhỏ; và cuối cùng là làm vị trí lớn ở một chỗ lớn. 

Tôi đang đi trên bước đường ấy, với nhiều dự định nâng cao nghề nghiệp cho mình. Một trong những dự định đó là tôi sẽ đi dạy nghề ở những nơi có nhu cầu và mình cảm thấy thích hợp, để chia sẻ về nghề cho những bạn có cùng đam mê.

Đến giờ, khi đã đi làm được vài năm, tôi vẫn còn liên lạc với những người thầy dạy mình để chia sẻ công việc. Có người còn thường đến chỗ tôi làm để thưởng thức thức uống do chính tôi pha chế, sau đó còn trao thêm cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu.

 “Không có ly nước nào ngon nhất, chỉ có ly nước phù hợp nhất với từng người”. Câu ấy không chỉ đúng với việc uống cocktail mà còn đúng với việc chọn ngành nghề để phát triển bản thân: không có ngành nào là “vip” nhất, chỉ có nghề phù hợp với từng người hay không. 

Nếu bạn yêu pha chế và thích phiêu du với từng món nước do mình thực hiện, sáng tạo thì hãy chọn học nghề bartender…

Theo Tuổi trẻ

Share

Trả lời